Dọc Quốc lộ 25 đoạn qua khu vực xã Hòa Định Tây, xe máy chở khóm chạy rộn ràng từ sáng sớm. Tại đây cũng có 2 - 3 xe tải thường xuyên túc trực bên suối Cái để chờ bốc khóm chuyển ra Bắc và các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Nam (ngụ xã Hòa Định Đông) đang lên rẫy hái khóm. Năm nay, ông Nam trồng hơn 1ha khóm và sau khi trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng/ha. Tuy phải hơn nửa tháng nữa mới biết giá khóm ổn định ở mức nào, nhưng hiện tại, ông đã lãi gấp rưỡi năm ngoái.
Dọc tuyến quốc lộ 25 đoạn qua khu vực xã Hòa Định Tây đâu đâu cũng thấy cảnh mua bán khóm Đồng Dinh tấp nập
Theo người dân trồng khóm, thường họ trồng lứa khóm tơ thu hoạch mùa đầu, mỗi màu cây ra 5-6 cây con quanh gốc, sau đó tách bỏ bớt chừa lại 3-4 cây con để chăm sóc cho ra trái, cứ như thế thu hoạch lứa khóm gốc 5-7 năm.
Vợ chồng chị Lê Thị Thảo (xã Hòa Quang Nam) có nhiều năm thu gom khóm đi bán ở các tỉnh phía Bắc nên biết rất rõ vùng nào ở Phú Yên cho khóm chất lượng. Khóm Đồng Dinh với đặc điểm tiểu vùng khí hậu, ngoài chất lượng thơm, ngọt thanh, khi chín có màu vàng sáng, trái to đều trông rất đẹp nên được ưa chuộng. Khóm không cân ký mà đếm chục rồi bỏ vào trong túi nylon bán với giá 100.000 đồng/chục (mỗi trái khóm nặng gần 1kg). Tuy từ nay đến cận Tết, giá còn biến động nhiều, nhưng với mức giá hiện tại, nông dân đã lãi nhiều. Năm nay, do đã đặt mua nguyên rẫy khóm với diện tích 3ha từ cách đây hơn 4 tháng nên hiện giờ, anh chị rất vui vì khóm có giá. Có mấy người “ăn chắc”, chờ đến gần thu hoạch mới đi dạo các rẫy để hỏi mua thì giá khóm đã tăng nhiều so với cách đây 4 tháng nên họ cũng không lãi bao nhiêu. Đó là chưa kể nông dân cũng lo xa bán khóm từ khi cây mới ra trái nên thương lái rất khó mua được nhiều dịp cận tết. Vì vậy, có người phải mua lại của những người thu gom lẻ đang túc trực hàng ở ngã ba suối Cái đoạn vào rẫy Đồng Dinh.
Người dân chở khóm đến nơi tập kết để bán cho các thương lái
Theo cô Thủy - người có hơn 15 năm chuyên đóng gói khóm để vận chuyển bằng xe tải, vụ năm nay, lượng khóm vận chuyển ra Bắc nhiều hơn năm ngoái khoảng 60%. Chỉ vào các bịch nilông đựng khóm đã có một hai trái chín vàng, cô Hoa nói: “Đóng hàng cật lực mà vẫn không kịp, khóm già rồi nên chín nhanh. Nhưng khóm Đồng Dinh dù xanh hay chín đều đẹp”. Khóm Đồng Dinh trồng trên đất rẫy rất chịu hạn, đến nay vùng khóm này hình thành 18 năm. “Nhờ trồng khóm mà nhiều người xây được nhà lầu và mua cả xe tải. Tại thị trấn Phú Hòa, có xóm nhà chuyên trồng khóm, mấy năm qua tích lũy xây dựng nhà cửa khang trang, nhiều người quanh vùng gọi là xóm “biệt thự” từ khóm”, cô Thủy chia sẻ.
Các thương lái thu gom khóm để vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc và phía Nam tiêu thụ
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Hòa, vùng trồng khóm Đồng Dinh rộng gần 500ha, có gần 200 hộ dân chuyên trồng khóm, hộ trồng nhiều trên 10ha, còn lại đa số mỗi hộ trồng 7-8ha. Khóm Đồng Dinh được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Hiện huyện Phú Hòa đang lập dự án mở rộng diện tích, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến để đảm bảo ổn định đầu ra; hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung và tăng thu nhập cho nông dân./.
Anh Thi/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã