Trở lại Hương Sơn, đồng ngô, đồng rau đã lấy lại màu xanh tràn đầy sức sống như thể chưa từng biết đến cơn bão vừa càn quét qua đây. Là nơi thường xuyên bị lũ lụt đe dọa, vụ đông phải làm đi làm lại vài ba lần là chuyện bình thường. Có hề gì, đối với bà con vùng núi mà nói, vụ sản xuất này đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ cung cấp lương thực cho người, đây còn là nguồn thức ăn chủ yếu cho đàn gia súc vào loại lớn nhất tỉnh vào mùa giá rét. Trong đó, ngô là cây trồng chủ lực, hàng năm, huyện có đến trên 2.000 ha ngô các loại, chiếm 50% diện tích ngô toàn tỉnh.
Bà con nông dân xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) chăm sóc ngô vụ đông. Ảnh: Tất Thắng |
Ông Nguyễn Văn Hải -Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Bão số 10 đã xóa sổ 150 ha ngô và 350 ha bị ảnh hưởng. Cũng may, mưa không kéo dài nên đất chưa bị ngâm nhão. Ngay sau khi trời nắng ráo trở lại, bà con đã chủ động xuống đồng, nơi làm đất gieo trỉa lại số diện tích bị mất, nơi phá váng, khôi phục những cây bị đổ ngã... Đến thời điểm này, huyện gieo trỉa 1.200 ha, đạt hơn nửa kế hoạch. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo các địa phương trồng xen dắm các loại rau, củ ở các luống ngô và mở rộng diện tích ở vườn nhà”.
Ở vùng trà sơn huyện Đức Thọ, nông dân xã Đức An cũng đang tranh thủ tối đa những ngày nắng đẹp để mở rộng diện tích vụ đông. Trong số 170 ha cây màu vụ đông thì diện tích ngô chiếm đến 140 ha, đây là vùng chuyên canh ngô của huyện. Bác Lê Xuân Hồng (thôn Đông Hòa) cho biết: “Không để đất bỏ hoang, năm nào gia đình tôi cũng gieo trỉa 5 sào ngô. Gặp thời tiết bất lợi, cây không ra bắp thì cũng lấy lá về cho trâu, bò ăn. Bây giờ số ngô này đã lên 5-6 lá, mong rằng mưa thuận gió hòa vì thời điểm này nếu gặp bão lũ thì không kịp làm lại nữa”.
Nhiều năm lại đây, lợi nhuận mà vụ đông đưa lại đã khiến cho người ta thay đổi cách nhìn về vụ sản xuất thứ 3 này. Không còn coi là vụ sản xuất tranh thủ, nhiều địa phương quyết tâm “ tấn công” vào thị trường các loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ngoài cây ngô chủ lực, rau ăn lá, bắp cải, su hào hay rau gia vị đang được các địa phương khai thác triệt để. Bắt đầu từ cuối tháng 9, đến nay, mới chỉ đi gần hết nửa thời vụ (lịch gieo trỉa đến cuối tháng 10), diện tích rau, củ đã phủ kín 2.095 ha, đạt 46% kế hoạch.
Ông Dương Kim Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà) cho biết: “Với vài ha ban đầu, đến vụ đông 2013, diện tích rau, củ, quả của địa phương tăng lên 33,3 ha. Thu nhập bình quân mỗi vụ khoảng 200 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần so với cây lúa, lạc truyền thống nên tạo tâm lý hứng khởi cho người sản xuất. Vụ đông năm nay, với hai dòng giống chính, rau ăn lá ngắn ngày và rau, củ dài ngày sẽ tạo điều kiện cho bà con thu hoạch dàn trải cả mùa vụ, lấy ngắn nuôi dài”.
Diễn ra vào thời điểm bất lợi nhất của thời tiết, vụ đông luôn phải đối mặt với những bất trắc không lường trước. Nỗi lo không kịp thời vụ của người nông dân không phải là thiếu căn cứ. Trên biển Đông, bão “đuổi” bão đang tiến sâu vào đất liền. Theo dự báo thì bão Nari (bão số 11) áp sát dải đất miền Trung từ ngày 14 - 15/10 với sức gió mạnh nhất gần tâm bão giật cấp 12, 13. Cùng thời gian này, nước ta đón thêm đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống. Mưa to, gió lớn gần như là kịch bản chính xác cho thời tiết những ngày tiếp theo.
Mưa bão áp sát khi thời vụ của cây chủ lực ngô chuẩn bị khép lại trong khi toàn tỉnh chỉ mới gieo trỉa được 2.306 ha, đạt gần 50% kế hoạch. Dẫu biết rằng, bà con khắp nơi đang căng sức bổ cứu lại sản xuất nhưng việc đáp ứng đúng kế hoạch ban đầu là điều không hề dễ. Chưa kể cây trồng sớm là cây lạc đã không hoàn thành chỉ tiêu, chỉ đạt 10/223 ha (4% kế hoạch) khi thời vụ đã khép lại gần 1 tháng.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “So với mọi năm, mùa mưa năm nay đến sớm hơn. Lượng mưa lại tập trung vào tháng 9, 10, trùng vào thời điểm gieo trồng các loại cây vụ đông, khiến vụ đông khó lại càng khó hơn. Tuy nhiên, cũng theo dự báo, mưa sẽ kết thúc sớm, bà con nên sử dụng các loại giống ngắn ngày và rau ăn lá để không ảnh hưởng đến thời vụ, nhất là đối với các địa phương làm lạc xuân”.
Nguyễn Oanh
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã