Về biện pháp ứng phó bão số 13, sáng ngày 13/11, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã họp trực tuyến với 10 tỉnh, thành ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định nhằm thúc đẩy nhanh hơn các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão số 13 Vamco gây ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chủ trì cuộc họp.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vào lúc 10 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 13 mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.
Bão số 13 rất mạnh, quét dọc bờ biển từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, cường độ bão số 13 hiện đang ở cuối cấp 11, đầu cấp 12 và sẽ duy trì ở cấp 11-12 cho đến kinh tuyến khoảng 110 và khi đi vào trong sẽ suy giảm khoảng 1-2 cấp.
"Về dự báo của các đài quốc tế, đến thời điểm hiện nay các trung tâm dự báo quốc tế tương đối thống nhất hơn nhiều. Vùng nhiều khả năng bị ảnh hưởng của cơn bão số 13 là các tỉnh từ khu vực Bắc Trung bộ và Trung bộ, trong đó trọng tâm lõi là từ tỉnh Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh" - ông Khiêm nói.
Về ảnh hưởng của sóng biển và gió giật mạnh, ông Khiêm lưu ý tác động gió mạnh trên vùng biển, nhất là vùng tâm bão cấp 10-12, giật cấp 15. Khu vực biển ven bờ từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh bắt đầu gió mạnh từ tối ngày 13/11, cường độ mạnh có thể đạt cấp 9-10, giật cấp 12.
Trên đất liền, từ đêm sáng ngày 14/11, hoàn lưu bão sẽ gây gió mạnh và thời điểm gây gió mạnh nhất là từ đêm ngày 14/11 đến sáng sớm ngày 15/11, đạt cấp 8-9, giật cấp 11.
Ông Khiêm lưu ý các địa phương và người dân đặc biệt chú ý đến dông lốc và gió giật có thể gây tốc mái nhà rất nhiều.
Về sóng biển, khu vực tâm bão sóng biển cao 8-10m; khu vực ven bờ các tỉnh Bắc Trung bộ và Trung bộ, bao gồm cả các quần đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, sóng cao 4-6m. Về nước dâng, các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Trung bộ có khả năng dâng cao từ 0,5-1m.
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, bão số 13 (cơn bão Vamco) dự kiến đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong sáng ngày 15/11.
Trường hợp bão số 13 đổ bộ vào ban ngày thì triều ở mức trung bình (tại cửa Gianh là 1,4m), nếu vào ban đêm thì triểu ở mức cao (tại cửa Gianh là 1,9m).
"Bão số 13 (bão Vamco) là cơn bão cường độ rất mạnh, kèm theo sóng biển cao từ 4-6m, vùng tâm bão từ 8-10m, di chuyển nhanh và diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, có khả năng đi dọc bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An - là khu vực đã bị tổn thương rất lớn do các đợt bão, lũ liên tiếp vừa qua.
Tác động của nước dâng do bão làm không thoát được lũ hiện đang xảy ra tại một số khu vực cửa sông, làm gia tăng ngập lụt và kéo dài, như sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Thu Bồn (Quảng Nam)" - Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai nhận định.
Khu vực bão dự kiến đổ bộ có hệ thống nuôi trồng thủy, hải sản rất lớn, nhất là Thanh Hóa, Nghệ An... với tổng diện tích 42.822ha và 150.609 lồng, bè. Về tàu, thuyền, hiện không còn phương tiện nào trong khu vực nguy hiểm.
Vào bờ bão số 13 gây gió giật cấp 11, nhà cấp 4 sẽ bị thổi bung mái
Để ứng phó với bão số 13, các địa phương thực hiện việc gia cố, di dời lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển, ven biển đảm bảo an toàn, thực hiện tối đa các biện pháp giảm thiểu thiệt hại. Kiên quyết sơ tán người dân trên các lồng, bè, chòi canh và trên tàu trước khi bão ảnh hưởng.
Tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn bộ tàu thuyền đã được đưa vào neo đậu, tránh trú bão số 13 an toàn, gồm 3.033 tàu thuyền đưa vào các khu neo đậu và khoảng 15 tàu đã được neo đậu ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam dự kiến sơ tán 160.000 hộ dân ở tuyến biển, dự kiến trưa ngày 14/11 xong.
Đối với khu vực miền núi, khoảng 10.000 hộ dân tại 93 điểm có nguy cơ cao về sạt lở, các địa phương đang khẩn trương sơ tán. Đối với khu vực ven sông, có nguy cơ ngập úng, tỉnh lên phương án sơ tán khoảng 45.000 hộ dân.
Theo ông Thanh, hiện nay nhiều tuyến đường giao thông đang hư hỏng nặng, phải khắc phục khẩn cấp trong khi công tác tìm kiếm, cứu hộ người mất tích vẫn đang diễn ra hết sức khó khăn - hiện còn khoảng 20 người.
Trước nguy cơ mưa lớn và sạt lở đất, ông Thanh cho biết, chỉ khi nào tình hình đảm bảo an toàn thì mới tiếp tục hoạt động tìm kiếm.
Để ứng phó với bão và mưa lớn, ông Thanh đề nghị Chính phủ sớm cấp kinh phí và sớm đánh giá tình hình khắc phục thiên tai và có phương án bố trí vốn trung hạn để địa phương khắc phục hậu quả, ổn định phát triển cả trước mắt và lâu dài.
Lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa cho biết đang tích cực, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 13, đặc biệt là công tác sơ tán dân, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ sản xuất và chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 13.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và đánh giá cao các địa phương, bộ ngành và các đơn vị liên quan đã tập trung có các biện pháp ứng phó như: đưa tàu thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo vệ an toàn các công trình sản xuất, nhà ở, công trình hồ đập...
"Bão số 13 sẽ ảnh hưởng đến đất liền tối ngày mai (14/11). Vào đất liền gió vẫn giật cấp 11, nhà cửa cấp 4 của người dân sẽ bị thổi bung mái. Nếu không sơ tán người dân thì thiệt hại tính mạng không thể tránh khỏi" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Chính vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (nhà cấp 4), khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng và những khu vực dễ gây ra lũ ống, lũ quét.
“Ngay tại các khu vực tránh trú bão, các địa phương phải tiến hành kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền. Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ vào” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển đang thi công, khu vực sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố; triển khai công tác bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, nhất là các hồ đập thủy lợi, chủ động điều tiết nước khi lũ về.
Cần cứng hóa mái nhà để đảm bảo ứng phó với bão
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các địa phương phải thực hiện chương trình nhà ở chống lũ ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Hiện các nhà cấp 4 khu vực ven biển bị bão tốc mái thì cần cứng hóa mái nhà.
Các địa phương cần thống kê, lên kế hoạch để Chính phủ và toàn xã hội chung tay, xây dựng, sửa chữa hàng nghìn nhà ở của người dân đã bị sập, bị tốc mái sau các cơn bão vừa qua để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong các cơn bão sau.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã