Ngày 13/4, tại thôn An Dương, xã Hùng An, huyện Bắc Quang có 2 con bò của gia đình ông Phạm Văn Thế có biểu hiện suy nhược, bỏ ăn, viêm mũi, sưng hạch bạch huyết bề mặt, hình thành các nốt sần. Sau khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục.
Tiếp đến, ngày 17/4 tại các thôn Bàn Tan và Nà Vuồng, xã Yên Phong, huyện Bắc Mê có 25 con bò cũng có biểu hiện tương tự. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Gianh nhận định, hiện nay không loại trừ khả năng tại nhiều địa phương khác của tỉnh Hà Giang đã có bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới có thể rất cao.
Tại các địa phương có bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang đã thành lập đoàn công tác trực tiếp kiểm tra thực tế tại cơ sở, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã cung ứng 4.700 liều vắc xin, 32 lít hóa chất và 100 kg vôi bột cho 2 huyện Bắc Quang và Bắc Mê tiêm phòng khẩn cấp. Phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh và toàn bộ các vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.
Đến nay, huyện Bắc Quang đã tiêm phòng được 147 con trâu, bò của 56 hộ dân xã Hùng An. Huyện Bắc Mê đang khẩn trương tiêm phòng bao vây dập dịch tại xã Yên Phong, đồng thời triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tiêu hủy 2 con bò tại xã Hùng An, huyện Bắc Quang với trọng lượng 486kg.
Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang đã đề nghị các huyện Bắc Quang, Bắc Mê tập trung các nguồn lực kiểm soát phòng bệnh theo quy định của Luật Thú y.
Bên cạnh đó, khẩn trương cách ly những gia súc chưa có biểu hiện của bệnh, tổ chức vệ sinh phun thuốc sát trùng liên tục trong vòng 3 tuần với những hộ chăn nuôi có gia súc nghi biểu hiện của bệnh và mắc bệnh, đồng thời phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bi bệnh.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang cũng đang thực hiện khoanh vùng dịch và xem xét việc lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào xã có dịch. Các địa phương thực hiện rà soát, thống kê hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tất cả các xã. Khi thống kê ghi rõ thông tin tình trạng sức khỏe của đàn gia súc và các biểu hiện bị bệnh nếu có. Thông tin về tình trạng mua bán, giết mổ gia súc ra khỏi địa bàn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, thời tiết hiện đang ấm dần lên, đây là điều kiện thuận lợi để côn trùng phát triển. Cùng với đó, việc dân cư sống không tập trung, nhiều hộ vùng sâu, vùng xa chưa cập nhật được tình hình dịch bệnh kịp thời nên có thể bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện ở các địa phương khác nhưng chưa được phát hiện, bởi vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan bệnh viêm da nổi cục trên diện rộng tại Hà Giang rất cao.
Do đó, Sở NN-PTNT Hà Giang yêu cầu các cấp, các ngành và người dân cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành chức năng để đảm bảo đàn gia súc phát triển khỏe mạnh, ổn định.
https://nongnghiep.vn/benh-viem-da-noi-cuc-tiep-tuc-lay-lan-phuc-tap-d288834.html
Theo Đào Thanh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã