Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 21/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng PCTT đã có cuộc họp về tình hình mưa lũ trong những ngày tới.
Từ 19h ngày 17/8 đến 19h ngày 20/8: Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Sa Pa (Lào Cai): 160,4 mm; Thông Nguyên (Hà Giang): 83,2 mm; Ngòi Hút (Yên Bái): 110 mm; Ngòi Thia (Yên Bái): 148 mm; Phú Yên (Sơn La): 86 mm…
Từ nay đến ngày 22/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông (phổ biến 20-50 mm/24h, có nơi trên 100 mm/24h); riêng khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (phổ biến 50-100 mm/24h, có nơi trên 120 mm/24h); trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ: Cấp 1.
Ngày 20/8, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai có công văn số 362/SNV-LS thông báo Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) dự kiến xả lũ từ 9h đến 17h ngày 20/8/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 09/CĐ-TWPCTT ngày 20/8/2020 chỉ đạo các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng ứng phó với lũ có thể xảy ra do mưa lớn và xả lũ của các hồ chứa trên địa phận Trung Quốc.
Văn phòng thường trực có văn bản số 329/VPTT gửi Tổng cục KTTV để xác nhận, cung cấp thông tin và đánh giá ảnh hưởng của việc xả lũ. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia có công văn số 525/DBQG nhận định với giả thiết lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc tăng thêm khoảng 1.000-1.500 m3/s, mực nước sông Thao tại Lào Cai có khả năng lên nhanh và đạt mức BĐ2 đến trên BĐ2 khoảng 1,0 m. Mực nước tại Yên Bái trong 36 giờ sẽ tăng lại và đạt mức BĐ2- BĐ3.
Trực ban đã thường xuyên liên hệ trực ban các tỉnh, theo dõi sát tình hình diễn biến lũ sông Hồng, sông Thao. Đến 5h sáng ngày 21/8/2020, mực nước trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai tăng 0,88m trong thời gian từ 21h ngày 20/8 đến 05h ngày 21/8, lên mức 80,55 m, trên BĐI 0,55 m, mực nước lúc 7h là 80,43 m; mực nước tại Yên Bái xu hướng giảm, lúc 7h ngày 21/8 ở mức 30,76 m, dưới BĐII 0,24 m.
Hiện, tại thành phố Yên Bái nước đã rút, không còn diện tích ngập lũ. Các khu vực khác trên địa bàn Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc chưa có thông tin ngập lụt.
Ngày 20/8/2020, Chi cục Đê điều và PCLB thành phố Hà Nội báo cáo trên địa bàn thành phố đã xảy ra sự cố sụt, sạt cống qua đê trạm bơm Tảo Khê, đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức. Ngày 19/8/2020, thượng lưu cống và một phần thân cống bị sạt, sụt kích thước hố sụt (7,5x5,5)m, sâu 5,5m. Lúc 10h30 ngày 20/8/2020, toàn bộ thân đê hữu Đáy phía trên cống đã bị sụt, sạt thành hố sâu với đường kính (dọc theo đê) hơn 10m, độ sâu hơn 8m; đường bê tông mặt đê sạt, lún từ (20-40)cm. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Hạt Quản lý đê Ứng Hòa – Mỹ Đức, Ủy ban nhân dân xã Bột Xuyên đã xử lý sự cố giờ đầu bằng giải pháp thả rọ thép và bao tải đất lấp hố sụt, đắp lại phần thân đê bị sụt, dự kiến hoàn thành đêm ngày 20/8/2020.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Sơn La, Lai Châu, tình hình thiệt hại do mưa lũ ra cập nhật ngày 20/8/2020 tại Tỉnh Sơn La: 250m đường bê tông bị nứt, lún, gãy; tỉnh Lai Châu: 6 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 3 nhà phải sơ tán khẩn cấp, 3 nhà bị sạt lở taluy sau nhà; quốc lộ 4H bị sạt lở 3 vị trí với khối lượng đất đá khoảng 10.000 m3, Quốc lộ 32 tại vị trí K350+410 bị hư hỏng 1 cống quá đường và sạt 2/3 mặt đường bê tông nhựa; các tuyến đường cấp huyện quản lý bị sạt lở 5 điểm; 3 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng.
Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện các nội dung công điện và báo cáo về công tác triển khai ứng phó, thống kê, đánh giá thiệt hại.
Các địa phương cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn, di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt trượt cao mới phát sinh. Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến thôn 24/24h để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra. Cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Tây Nguyên kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Đỗ Hương/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã