Công nhân HTX Thắng Lợi xã Xuân Thành lau dọn chuồng trại sạch sẽ hạn chế những mầm bệnh phát sinh
Hơn 1 tháng thả giống mới cũng là ngần ấy thời gian, gia đình chị Hoàng Thị Hà thôn Trường Thanh, xã Đan Trường áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
Chị Hà cho hay: “Để ngăn ngừa, đối phó dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi, trước kỳ thả nuôi, chúng tôi đã tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng sạch sẽ. Con giống tại chỗ đã được tiêm phòng đầy đủ vắc – xin nên đàn lợn 15 con của gia đình đều sinh trưởng và phát triển tốt ”.
Nguyên liệu chế biến thức ăn sẵn có trên địa bàn như ngô hạt, khô dầu, cá vụn nên chị Lan chọn giải pháp an toàn không mua thức ăn có sẵn để hạn chế dịch bệnh
Chung quan điểm “phòng là chính” và cảnh giác trước những nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, trước khi thả đàn lợn giống 20 con trị giá 7 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Lan - thôn Hồng Thịnh, xã Xuân Giang còn mua hẳn máy ép cán viên chế biến thức ăn trị giá 12 triệu đồng công suất 2 tạ/giờ chứ không mua thức ăn sẵn cho đàn lợn.
Bởi theo chị, “ngoài việc giảm giá thành 20%, thức ăn tự mình chế biến còn hạn chế đến mức thấp nhất nguồn dịch bệnh lây lan từ ngoài xâm nhập vào qua các con đường như vận chuyển, tiếp thị…”
Nguyễn Thị Lan - thôn Hồng Thịnh mua máy ép cán viên chế biến thức ăn cho lợn trị giá 12 triệu đồng.
Nằm giữa 2 đô thị là thị trấn Xuân An và Hồng Lĩnh, xã Xuân Hồng cũng rất dễ “dính” dịch bệnh từ những địa phương khác, bởi hệ thống giao thông khá đa dạng (đường Ql1A, đường sông…)
“Mặc dù có đàn lợn không lớn, với hơn 600 con nhưng thời gian qua, chính quyền xã đã tuyên truyền vận động các hộ dân phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại chuồng trại. Đến thời điểm này, trên 80% đàn lợn đã được tiêm phòng” - Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng Nguyễn Phi Phượng cho biết.
Người chăn nuôi xã Xuân Hồng rắc vôi bột xung quanh nhà ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào chuống trại.
Xuân Thành – địa phương sở hữu đàn lợn trên 4.000 con, cũng đã vào cuộc quyết liệt trong việc phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Ngoài việc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, địa phương còn khuyến cáo bà con, mua con giống đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc; nuôi dưỡng hợp lý, tiêm phòng đầy đủ vắc – xin đàn lợn.
Nghi Xuân là địa bàn giáp tỉnh Nghệ An - địa phương tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi, nóng nhất là huyện Hưng Nguyên nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Thực tế cho thấy, năm 2019 huyện Nghi Xuân đã phát hiện, bắt giữ 8 trường hợp, xử phạt hơn 12 triệu đồng khi chở lợn giống bị bệnh từ Nghệ An xâm nhập vào địa bàn.
Các địa phương nhận thuốc phun tiêu độc khử trùng tại Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng vật nuôi Nghi Xuân.
Do đó bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho bà con nhân dân các địa phương, nhắc nhở bà con nhân dân không hám lợi mua rẻ lợn giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, huyện Nghi Xuân còn triển khai sớm công tác tiêm phòng cho đàn gia súc gia súc.
Ông Nguyễn Đức Khánh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Nghi Xuân cho biết: "Hiện tại 80% trong số 13.497 lợn ở Nghi Xuân đã được tiêm phòng dịch; 17/17 xã thị trấn đã tích trữ hơn 1 tấn vôi bột, 20 bộ đồ bảo hộ. Huyện Nghi Xuân cũng đã chuẩn bị sẵn 800 lít hóa chất trị giá trên 100 triệu đồng để phòng xử lý khi dịch bệnh khi tả lợn châu Phi xuất hiện”.
Cùng với đó, huyện cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhiễm vào địa bàn. Qua kiểm tra 6/6 cơ sở chế biến giết mổ gia súc trên địa bàn đều tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Huyện Nghi Xuân sẵn sàng thuốc, hóa chất để xử lý khi dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng khuyến cáo: “Người nuôi cần thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình dịch để chủ động thực hiện các biện pháp phòng và ứng phó trong các tình huống. Giai đoạn này người dân không nên sử dụng thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay chính quyền địa phương để có phương án xử lý tránh tình trạng dịch bệnh lây lan ra các địa phương khác”.
Theo Hoài Nam/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã