Hộ anh Phạm Danh Anh thôn 4, xã Nam Phúc Thăng phun tiêu độc khử trùng ngày 2 lần quan khu vực chăn nuôi
Sau hơn 1 tháng bùng phát ổ DTLCP đầu tiên tại xã Nam Phúc Thăng, đến nay, dịch bệnh nguy hiểm này vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu tại huyện Cẩm Xuyên. Hiện, dịch đã lan rộng thêm trên địa bàn 10 xã, thị trấn: thị trấn Cẩm Xuyên, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Hà, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Thịnh, Cẩm Dương, Cẩm Hưng, Cẩm Mỹ.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng Hoàng Kim Túy cho hay: “Toàn xã đã phải tiêu huỷ 132 con lợn tại 7 thôn với trọng lượng hơn 4.000 kg. Công tác phòng chống dịch tại xã đối mặt với nhiều thách thức do đây thuộc vùng trũng, thấp, trận lũ vừa qua đã phân tán virus những chỗ chôn lấp trước đó đi khắp nơi, đe doạ đến cả các gia trại với quy mô đàn lợn từ 100 – 250 con. Cùng với đó, xã mới sáp nhập, quy mô rộng, nhân lực mỏng nên công tác theo dõi, bám sát địa bàn hạn chế”.
Đến thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên đã phải tiêu huỷ 210 con trọng lượng hơn 10.000kg.
Anh Phạm Danh Anh (thôn 4, xã Nam Phúc Thăng) chia sẻ: “Gần đây, gia đình ông Hoàng Kim Dũng trên địa bàn đã phải tiêu huỷ hết đàn lợn hơn 100 con do dịch bệnh nên không thể chủ quan lơ là trông công tác phòng dịch. Từ đó đến giờ, tôi chủ động đóng cửa khu vực chuồng, phun tiêu độc nồng độ mạnh ngày 2 lần, cố gắng hạn chế tiếp xúc nhất có thể”.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh cho biết: “Cẩm Xuyên là địa phương có quá trình tái đàn nhanh, tổng đàn lợn lớn (trên 57.600 con), chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chuồng trại sát nhau trong thôn trở thành điểm “nóng” về DTLCP. Cuối năm, hoạt động kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ lợn sẽ càng sôi động nên dịch càng khó kiểm soát hơn”.
Các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ cần phải chú trọng hơn đến công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng để bảo vệ đàn lợn
Hiện tại, Cẩm Xuyên đang nỗ lực thực hiện tốt các phương án đã xây dựng để kiểm soát tình hình, hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi, đặc biệt là bảo vệ tốt đàn nái và hệ thống trang trại quy mô lớn.
Huyện giao các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, tránh tình trạng lợn ốm được giết mổ không đúng quy định và bán “tháo” tại hộ gia đình; khống chế dịch quy mô hẹp; đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra trong giai đoạn cuối năm; tổng hợp tình hình dịch bệnh trên địa bàn và báo cáo về cơ quan thú y huyện trước 16h30 hàng ngày để tổng hợp lên cấp trên.
Các trang trại chủ động phun thuốc khử trùng nồng độ cao để hạn chế mầm bệnh.
Thời điểm này, tại huyện Can Lộc, dịch bệnh đang được kiểm soát, chưa xuất hiện thêm ổ dịch mới ngoài địa bàn 5 xã: Quang Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Khánh Vĩnh Yên, Trung Lộc.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc Đoàn Minh Lương cho biết: “Các cấp chính quyền vẫn tăng cường kiểm soát, không lơ là, nhất là trong lúc hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển lợn tăng cao. Hệ thống thông tin bằng Zalo và camera tại các điểm của xã được kết nối liên tục, người dân thông tin thường xuyên, nếu có hoạt động vi phạm sẽ được chính quyền xử lý ngay”.
Thời điểm cuối năm, hoạt động mua bán, vận chuyển thịt lợn tăng cao do nhu cầu của người dân lớn.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng, đến thời điểm hiện nay, tổng số lợn bị ốm chết, buộc tiêu hủy chưa qua 21 ngày là 267 con với trọng lượng hơn 13.350 kg tại 21 xã thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, trước mắt, tình hình dịch bệnh chủ yếu xuất hiện trong chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ và đang được kiểm soát ở quy mô hẹp, cơ bản sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Hiện, tổng đàn lợn đã đạt khoảng trên 387.000 con (đạt 102% kế hoạch), tăng 8,9% so cuối năm 2019, trong đó, chăn nuôi trang trại duy trì ổn định đàn lợn trên 215.000 con (chiếm hơn 55,6%), đảm bảo cung ứng số lượng lớn lợn thịt.
Huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức cho tiểu thương tại các chợ ký cam kết “5 không" trong công tác phòng, chống DTLCP.
Tuy nhiên, theo Chi Cục trưởng Trần Hùng, đây cũng là thời điểm nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát ra diện rộng ở mức cao vì nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn cho dịp lễ tết tăng nhanh. Các địa phương phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp khống chế, phòng chống dịch theo kịch bản, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; cần chủ động cử các đoàn công tác giám sát, kiểm tra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khu vực lò mổ, chợ dân sinh, tuyến vận chuyển hàng hoá lớn trong thời điểm cuối năm.
Từ nay đến đầu năm 2021, công tác phòng, chống dịch cần được thực hiện chủ động, sát sao hơn nữa.
"Đồng thời, chủ động giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm lợn có biểu hiện ốm để phát hiện sớm dịch bệnh; liên tục thông tin, tập huấn để người dân tự chủ động nâng cao ý thức bảo vệ đàn lợn của gia đình. Đối với chủ chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thường xuyên kê khai hoạt động, số lượng tổng đàn để ngành chuyên môn bám nắm, hỗ trợ, siết chặt hơn công tác phòng dịch, đặc biệt là bảo vệ tốt đàn nái để phục vụ tái đàn khi dịch được kiểm soát”, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng khuyến cáo.
Theo Thái Oanh – Ngọc Loan/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã