Các địa phương đang dồn lực cao nhất cho thu hoạch lúa xuân 2021.
Điều chỉnh lịch thu hoạch vì thiếu máy gặt
Mấu chốt khó khăn của vụ thu hoạch lúa xuân năm nay là đa số các địa phương trên toàn tỉnh đều đối mặt với tình trạng thiếu máy gặt. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 640 máy gặt đập liên hợp đang hoạt động.
Trong đó, chỉ trừ các huyện như Can Lộc (200 máy), Thạch Hà (125 máy), Cẩm Xuyên (100 máy), Kỳ Anh (80 máy) thì các địa phương còn lại chỉ có từ 10 - 20 máy. Ở các năm khác, vào vụ thu hoạch, các địa phương sẽ hợp đồng với một số chủ máy ở các tỉnh khác như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định… để đáp ứng tiến độ thu hoạch.
Thiếu máy gặt đang là áp lực lớn nhất của nhiều địa phương và bà con nông dân.
Thực tế, mỗi đơn vị thôn phải có ít nhất 2 - 3 máy gặt liên tục hoạt động trên đồng ruộng thì mới đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, ở thời điểm thu hoạch vụ lúa xuân năm nay, tỷ lệ máy gặt chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 70% so với trước đó.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Năm nay, việc lưu chuyển máy gặt ngoại tỉnh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nên đã thiếu hụt số lượng máy gặt phục vụ thu hoạch lúa xuân. Bởi thế, mặc dù thời vụ thu hoạch rất tập trung, điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi, song tiến độ thu hoạch của toàn tỉnh khó đáp ứng được kế hoạch ban đầu”.
Nông dân chuẩn bị sẵn bì, ngóng máy gặt sắp đến với ruộng lúa của mình.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 70% diện tích lúa xuân (khoảng gần 43.000 ha). Khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến hạn mốc thời gian giao ban đầu kết thúc (20/5) thì chưa địa phương nào “chạm đích”, thậm chí có 4/13 địa phương mới chỉ đạt một nửa tiến độ (Nghi Xuân, Hương Sơn, thị xã Kỳ Anh và Hương Khê).
Hiện toàn tỉnh chỉ có 3 huyện gồm: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc khả năng đáp ứng đúng hạn ngày 20/5, còn lại các địa phương khác đều phải điều chỉnh lịch thu hoạch vụ lúa xuân 2021 thêm 5 ngày, tức là đến 25/5.
Tăng cường bám đồng, rốt ráo thu hoạch
Lực lượng quân sự, đoàn thanh niên hỗ trợ bà con xã Hồng Lộc (Lộc Hà) thu hoạch lúa.
So với nhiều địa phương, huyện Lộc Hà triển khai thu hoạch lúa xuân muộn hơn do đặc thù vùng sản xuất có nhiều loại giống chín muộn. Điều này đã khiến cho địa phương phải chịu áp lực “kép”, thời vụ dồn đuổi và tăng cường máy gặt nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch.
Phản ứng với khó khăn, trong hai ngày nghỉ (15 - 16/5), huyện Lộc Hà đã huy động lực lượng quân sự và đoàn thanh niên hỗ trợ bà con thu hoạch bằng tay các diện tích lúa bị đổ ngã. Việc này vừa tạo tinh thần động viên bà con tập trung xuống đồng, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch.
Không khí thu hoạch đang gấp gáp trên đồng ruộng ở xã Hồng Lộc.
Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc (Lộc Hà) Lê Viết Bình cho biết: “Trong vòng 1 ngày, 60 người được huy động đã hỗ trợ bà con gặt xong toàn bộ diện tích bị đổ ngã do ảnh hưởng của đợt mưa dông trước. Cùng với đó, xã cũng phối hợp với công an địa phương làm tốt công tác quản lý máy gặt kết hợp với phòng dịch bệnh Covid-19 để tạo điều kiện cho các chủ máy gặt yên tâm về trên địa bàn. Đến ngày 17/5, chúng tôi đã thuê được 9 máy và khả năng còn tăng hơn nữa trong những ngày tiếp theo”.
Chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc phụ giúp người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch.
Thời điểm này, không khí thu hoạch gấp gáp đang bao trùm khắp các cánh đồng của xã Hồng Lộc. Máy gặt chạy cật lực từ sáng hôm nay đến tận 2 - 3 giờ sáng hôm sau, còn bà con nông dân thì không chỉ lo cho đồng nhà, họ còn sẵn sàng “xắn áo” để phụ giúp những người có lúa thu hoạch trước.
Chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Trung Sơn (xã Hồng Lộc) cho biết: “Nhà tôi làm 1 mẫu, chưa gặt được sào nào nhưng tôi vẫn ra đồng phụ dân làng chở lúa, phơi lúa để có thể thu hoạch cuốn chiếu, nhà nào xong nhà nấy. Sau đó, họ quay trở lại giúp nhà tôi, có thêm lực lượng, thời gian thu hoạch cũng sẽ rút ngắn lại”.
Toàn xã Hồng Lộc sản xuất 499 ha, đến ngày 17/5 chỉ mới thu hoạch được hơn 100 ha. Tuy nhiên, với nhịp độ này, xã tự tin có thể hoàn thành thu hoạch trong vòng 1 tuần tới.
Ở nhiều địa phương khác, bà con cũng tranh thủ gặt tay ở những diện tích lúa đã chín.
Không khí thu hoạch lúa xuân ở các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ… cũng đang rất gấp gáp. Ở các vùng này, bà con nông dân vẫn thực hiện song song hai phương thức cả gặt máy và gặt tay.
Thời điểm này, những người điều khiển máy gặt cũng hối hả không kém để cùng bà con nông dân thu hoạch. Ông Nguyễn Tiến Dũng - chủ máy gặt ở Quảng Ngãi cho biết: “Tôi đã ra Hà Tĩnh 10 ngày nay, thu hoạch xong tại Cẩm Xuyên thì ra Thạch Hà, Lộc Hà. Gần như ngày nào tôi cũng chạy từ 5-6h sáng đến 2h sáng ngày hôm sau với diện tích thu hoạch khoảng 12 - 17 mẫu lúa/ngày. Cả nhóm đã làm việc cật lực, mệt mỏi nhưng chúng tôi cũng cố gắng để đáp ứng nhu cầu của bà con”.
Theo nhận định của Sở NN&PTNT, vài ngày tới, khi những nơi có tiến độ thu hoạch nhanh như Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc hoàn thành thì máy sẽ được điều chuyển đến địa phương khác nhanh hơn, giảm áp lực thời vụ và đảm bảo đến ngày 25/5 Hà Tĩnh sẽ khép lại vụ lúa xuân 2021.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã