165 tấn ốc chết, bốc "hương" nồng nặc
Gần 2 hecta với 13 tấn ốc hương của gia đình bà Lai chết trắng
Nước lũ rút, hàng chục hecta ốc hương chết trồi lên mặt bùn sau hơn 5 tháng xuống giống khiến người dân nuôi ốc hương xứ Cồn Vạn điêu đứng. Xác ốc chết tấp vào bờ thành đống bốc mùi nồng nặc.
Mưa lũ khiến ốc bị chết hàng loạt do sốc nước ngọt.
Bà Nguyễn Thị Lai (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) là một trong những hộ dân thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Nhiều năm nay, nghề nuôi ốc hương ở xứ Cồn Vạn gặp rất nhiều khó khăn nhưng gia đình bà vẫn hi vọng vào vụ mùa này.
Thế nhưng, gần 2 hecta với 13 tấn ốc hương chỉ còn nửa tháng nữa là thu hoạch giờ cũng chết trắng. “Xót lắm, mất hết rồi!”- bà Lai thẫn thờ chia sẻ.
Hàng chục tấn ốc hương ở xứ Cồn Vạn chết trắng khiến người nông dân lao đao.
Gia đình ông Trần Sông Hương (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) cũng điêu đứng vì 3 tấn ốc hương chết do mưa lũ. Đầu tư hàng tỷ đồng vào 4 sào ruộng để nuôi ốc hương nhưng mưa lũ đã khiến gia đình ông mất nhiều cơ nghiệp.
Tranh thủ nước rút, ông Hương huy động toàn bộ các thành viên trong gia đình để sục oxy, củng cố nước mặn “cứu” ốc nhưng hi vọng cũng không còn nhiều.
Người dân phải vớt ốc chết mang đi tiêu hủy
“Giá ốc hương hiện đang bán với 200.000 đồng/kg, nhẩm tính 4 sào ốc của gia đình tôi đã mất trắng gần 2 tỷ đồng. Chưa kể, mưa lũ còn cuốn mất 2 hecta nuôi tôm, cá, cua, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Phải nhìn của cải, vốn liếng chết chìm trong dòng nước bạc mà đau xót quá...”- ông Hương chua chát nói.
Theo thống kê ban đầu, đợt mưa lũ vừa qua khiến người nuôi trồng thủy hải sản nơi đây thiệt hại hơn 33 tỉ đồng. Sự khắc nghiệt của thời tiết đang đẩy 18 hộ nuôi ở xứ Cồn Vạn lâm vào cảnh “điêu đứng” với những khoản nợ lớn.
Nợ cũ chồng nợ mới
Vùng nuôi trồng thủy sản xứ Cồn Vạn năm nay chỉ còn 18 hộ sản xuất vì nhiều người đã bỏ cuộc từ những lần thua lỗ do dịch bệnh, thời tiết trước đó.
Đầu tư hàng tỉ đồng nhưng liên tục thất bát, nhiều hộ dân kiệt quệ không còn khả năng vực dậy sản xuất.
Những hộ còn lại đều vay vốn ngân hàng để quay vòng sản xuất với hi vọng mùa ốc hương này sẽ “níu kéo” lại được chút ít của cải. Thế nhưng, sau mưa lũ, bà con lại “trắng tay” và “gánh” thêm khoản nợ lớn, nhà ít nợ gần 1 tỷ đồng, nhà nhiều nợ hơn 4 tỷ đồng. Gần như các hộ đều “kiệt quệ” vì không còn khả năng đầu tư sản xuất tiếp.
Trước đó, người dân chủ động đắp các bao tải cát để ngăn nước tràn vào ao nhưng không hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Lai rầu rĩ: “Không chỉ vay ngân hàng, tôi còn vận động anh em, họ hàng để đầu tư vào vụ nuôi này. Nợ cũ 2 tỷ đồng từ vụ mùa năm trước chưa trả được, vừa rồi lại vay thêm 2,5 tỷ đồng. Chưa kể để khôi phục lại các ao, hồ nuôi cũng phải mất hàng trăm triệu đồng. Nợ lại chồng nợ, gia đình tôi nay không biết nhìn đâu để có thể vực dậy được”.
Sự cố vỡ đê trong đợt mưa lũ vừa qua còn cuốn trôi hàng vạn tôm, cua, cá của người dân theo dòng nước
Ông Nguyễn Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Sau các đợt mưa lũ, UBND xã đã tổ chức xuống các hộ nuôi trồng để động viên, thống kê, rà soát thiệt hại và báo cáo lên cấp huyện để nhanh chóng có phương án tái sản xuất.
Tuy nhiên, do thiệt hại từ mưa lũ vừa qua khá lớn, nhiều hộ không còn điều kiện để khôi phục sản xuất nên chúng tôi mong muốn các cấp có thêm các chính sách hỗ trợ, giúp bà con sớm vực dậy sau lũ”.
Theo Ngân Giang - Anh Tấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã