Xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên có tổng đàn trâu bò gần 3.000 con, trong đó đàn bò có 2.400 con. Hiện nay bà con nông dân xã Cẩm Sơn đang tập trung nuôi vỗ béo bò thịt để chuẩn bị xuất bán vào dịp tết nguyên đán sắp tới. Do vậy sau khi có chị thị của tỉnh và của huyện về tăng cường phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, xã Cẩm Sơn đã khuyến cáo cho người dân về các biện pháp phòng chống đói rét cho trâu bò. Người dân cũng tuân thủ nghiêm biện pháp bảo vệ. Nhờ vậy đến thời điểm này, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn xã Cẩm Sơn huyện Cẩm Xuyên vẫn ổn định và phát triển.
Gia đình ông Trần Thạch Sanh ở thôn Thượng Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên) hiện đang nuôi 5 con bò lai hướng thịt. Là người có kinh nghiệm nuôi trâu bò nhiều năm, nên những ngày mưa rét này gia đình ông đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm đảm bảo cho đàn bò không bị ảnh hưởng khi nhiệt độ xuống thấp. Cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn thô như rơm dự trữ ở vụ hè thu, cây chuối, cây ngô…gia đình còn trồng thêm 3 sào cỏ VA06 để cắt và chế biến, cũng như các nguồn thức ăn tinh như cám gạo, cám ngô dự trữ để bổ sung cho bò. Bên cạnh đó, hàng ngày ông còn tiến hành vệ sinh chuồng trại để luôn đảm bảo nền chuồng khô ráo. Ngoài ra để tránh gió lùa, ông đã căng bạt che xung quanh chuồng trại, đồng thời tuân thủ tiêm phòng định kỳ cho bò theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã.
Các hộ chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn để cung cấp đầy đủ cho đàn vật nuôi trong suốt mùa đông
Những ngày qua rét đậm kéo dài, có nhiều nơi nhiệt độ xuống 8-9 độ C nhất là ở các xã miền núi như Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với người chăn nuôi. Trước tình hình đó để giữ và phát triển tổng đàn vật nuôi, các biện pháp chống rét, giữ ấm và tăng cường sức đề kháng được triển khai đồng bộ.
Thông thường, đàn bò 15 con của gia đình anh Hoàng Huỳnh Hương thôn 8 xã Sơn Giang huyện Hương Sơn được chăn thả trong trại của gia đình. Nhưng mấy ngày hôm nay, khi nhiệt độ xuống thấp, gia đình anh đã lùa toàn bộ đàn bò về chuồng nuôi. Không chỉ nhốt bò ở trong chuồng, anh còn cho bò ăn thêm rơm rạ, cỏ, bột ngô, muối và đặc biệt là sử dụng thêm thức ăn ủ chua để tăng sức đề kháng cho trâu bò.
Xã Quang Diệm huyện Hương Sơn là địa phương có tổng đàn gia súc khá lớn của huyện Hương Sơn. Cụ thể tổng đàn trâu bò toàn xã là 2.300 con, đàn hươu gần 3.600 con và đàn dê 700 con. Những năm qua, để phát triển đàn gia súc xã đã vận động người dân trồng các loại cỏ như cỏ voi, cỏ VA06. Đến nay toàn xã đã trồng được 20 ha cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Sau lũ lụt để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc, toàn xã đã gieo trỉa được 200 ha ngô dày phục vụ chăn nuôi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện những ngày này Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Sơn đã phân công cán bộ theo dõi cập nhật thông tin và phổ biến kịp thời diễn biến diễn biến khí hậu để người chăn nuôi chủ động các biện pháp bảo vệ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng chống rét và dịch bệnh. Hướng dẫn, hỗ trợ các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại, đồng thời gia cố chuồng trại, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, giúp đàn vật nuôi tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống rét. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, khử trùng tiêu độc theo đúng lịch phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi. Nhờ được tuyên truyền hướng dẫn nên hầu hết các chuồng nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Hương Sơn được các hộ dân che chắn và chuẩn bị thức ăn đầy đủ cho đợt rét này.
Hiện toàn tỉnh có trên 700 ngàn con gia súc, và gần 9 triệu con gia cầm. Trước tình hình thời tiết giá rét khắc nghiệt, UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị, đoàn thể đến tận từng thôn, xóm, hộ gia đình kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa, cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống đảm bảo về số lượng và chất lượng cho đàn gia súc, gia cầm. Đối với đàn trâu, bò, vận động các hộ không được thả trâu, bò ra đồng và chăn thả vào rừng tự nhiên khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; đưa trâu bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát, áp dụng các biện pháp giữ ấm. Ngoài sử dụng thức ăn thô, xanh, các hộ cần bổ sung muối, khoáng và thức ăn tinh trong những ngày rét đậm, rét hại để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Theo khuyến cáo của ngành Thú y, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, người chăn nuôi cần dùng củi sưởi ấm cho gia súc, gia cầm nhỏ, che chăn chuồng trại, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nền chuồng.Rét đậm đang được dự báo còn kéo dài, nếu công tác chăm sóc, phòng chống rét không đảm bảo, đàn vật nuôi sẽ dễ mất sức đề kháng dẫn đến ốm chết. Do đó, người chăn nuôi cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành chuyên môn, chủ động triển khai các biện pháp để chống rét cho đàn vật nuôi./.
Theo Nguyễn Hoàn/sonongnghiep.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã