Bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn bắt giàn cho lứa đậu leo vụ đông.
Sau mấy ngày mưa tầm tã, bà con xã viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Hà (xã Tượng Sơn - Thạch Hà) đã ra đồng khơi thông các tuyến mương, rãnh tiêu thoát nước; vùn lại luống rau bị sạt. Một số bà con lại tranh thủ thu dọn nốt số diện tích đã thu hoạch xong của vụ hè thu, chờ nắng lên để làm đất, gieo trỉa loại cây trồng mới.
Bà Nguyễn Thị Hòa - thôn Thượng Phú sản xuất 1 sào các loại rau, củ, quả. Biết thời tiết đầu vụ đông thường mưa nhiều, vì thế năm nào cũng thế, bà chưa vội gieo trỉa vụ cây trồng mới mà thường tận thu những sản phẩm có sẵn ở vụ hè thu đến hết tháng 9. Trong thời gian này, bà chỉ trồng gối cây đậu leo, có thời gian sinh trưởng ngắn và tận dụng được giàn leo của dưa chuột của vụ trước.
Bà con xã viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Hà chăm sóc hành giống.
Bà Hòa chia sẻ: “Vụ hè thu, tôi trồng các loại như ớt cay, mướp ngọt, cà dừa, bầu, dưa chuột… và thường tận thu đến hết tháng 9 để chờ thời vụ trồng khoai tây vụ đông. Thường thời điểm giữa hai vụ, tôi sẽ trồng xen loại đậu leo, có thời gian sinh trưởng ngắn để vừa tạo thu nhập, vừa phù hợp với thời tiết thường mưa nhiều ở đầu vụ. May là gieo hạt vào thời điểm nắng ráo nên đậu đã bắt đầu leo giàn, nếu không ngập úng thì cây đã phát triển an toàn rồi”.
Vụ đông 2021, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Hà sản xuất 20 ha rau, củ, quả tập trung và khoảng 50 ha vườn hộ, tập trung các loại cây trồng chủ lực như: khoai tây, hành lá và một số loại rau ăn lá để phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Năm nay, xã Tượng Sơn tiếp tục “kích cầu” mạnh mẽ cho sản xuất vụ đông.
Ông Nguyễn Viết Sơn - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Hà cho biết: “Xã trích 250 triệu đồng ngân sách hỗ trợ bà con nông dân 100% giống khoai tây, hành lá và một số hạt rau. Riêng đối với những mô hình sản xuất theo 4 tầng nấc, xã hỗ trợ 100% giống rau, củ, quả. Đây là động lực khích lệ bà con trong mùa sản xuất khó khăn, đồng thời nhằm khai thác tối đa thế mạnh của địa phương.
Đặc biệt, với việc sở hữu 2 nhà lưới rộng 1.100 m2 chúng tôi đang tiến hành ươm các loại giống hành lá, xà lách và một số loại rau để chủ động sản xuất, cũng như có thể cung ứng ra thị trường trong tương lai gần. Nếu thời tiết thuận lợi, từ đầu tháng 10 tới, chúng tôi sẽ đồng loạt xuống giống các loại cây trồng chủ lực vụ đông”.
Mặc dù thời tiết mưa nhiều ngày, song hành giống trong nhà lưới vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.
Để đảm bảo chủ động và chăm sóc tập trung, HTX bố trí nhà lưới 500 m2 ở thôn Bắc Bình chuyên sản xuất giống xà lách và một số loại rau ăn lá; nhà lưới 600 m2 ở thôn Thượng Phú sản xuất giống hành lá và dùng một phần quỹ đất để tiếp tục trồng dưa lưới. Mấy ngày mưa liên tục, song phía trong hai nhà lưới này, đất vẫn khô ráo, không hề bị tác động nào của thời tiết.
Anh Bùi Văn Tuấn - công nhân kỹ thuật ở nhà lưới thôn Thượng Phú cho biết: “Hiện nay, hành lá đã ươm giống được 1 tháng, nhờ được chăm sóc trong nhà lưới nên cây phát triển ổn định và sinh trưởng khỏe, đảm bảo chất lượng làm giống. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung làm cỏ, tỉa dặm và chuẩn bị sẵn sàng để cung ứng giống cho bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi dành quỹ đất để sản xuất thêm dưa lưới. So với vụ xuân và vụ hè, quy trình sản xuất khó khăn hơn, song đổi lại sẽ có giá bán sẽ cao với giá từ 35 - 40 đồng/kg”.
Đầu tư nhà lưới, người sản xuất có thể tận dụng sản xuất 3 vụ dưa lưới trong một năm.
Trong khi đó, anh Dương Văn Quang ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn lại sử dụng toàn bộ 500 m2 diện tích nhà lưới để chuyển đổi trồng dưa chuột vụ đông. “Sau khi thu hoạch vụ dưa lưới hồi đầu tháng 9, tôi bắt tay vào cải tạo đất trồng giống dưa chuột. Vùng này cao ráo, lại sản xuất trong nhà lưới nên dù mấy ngày mưa vẫn không ảnh hưởng đến tiến độ gieo giống” - anh Quang chia sẻ.
Đối với sản xuất rau, củ, quả vụ đông ở Hà Tĩnh, nhà lưới là giải pháp tối ưu để bà con nông dân ứng phó với mùa vụ khắc nghiệt nhất trong năm này. Không chỉ ở Thạch Hà, các địa phương như Cẩm Xuyên, Can Lộc, TP Hà Tĩnh… mô hình nhà lưới cũng được đầu tư ngày càng có quy mô, hiện đại.
Anh Nguyễn Thế Tài, chủ nhà lưới ở thôn 5, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) cho cho hay: “Thị trường đòi hỏi ngày càng cao chất lượng sản phẩm rau, củ, quả buộc người sản xuất phải thay đổi cả về kỹ thuật chăm sóc đến hình thức tổ chức sản xuất. Tôi đầu tư xây dựng 2.000 m2 nhà lưới, vào mùa nắng thì trồng dưa lưới còn vụ đông này thì chia rủi ro bằng cách bổ sung thêm dưa lê và dưa chuột. Đến nay, 1.000 m2 dưa lưới đang trong quá trình chăm sóc quả, 1.000 m2 dưa lê và dưa chuột đang leo giàn. Dù thời tiết không thuận thì tôi vẫn có thu hoạch rải đều trong suốt vụ”.
Anh Dương Văn Quang ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn vừa hoàn thành gieo trỉa 500 m2 dưa chuột.
Hiện, toàn tỉnh có khoảng trên 11 ha diện tích nhà lưới, sản xuất trên cả 3 vụ trong năm. Vào vụ đông, nhà lưới chủ yếu phục vụ sản xuất các loại rau ăn lá, cà chua, dưa chuột và dưa lưới…
“Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trỉa 188 ha/3.726 ha ngô lấy hạt, 265/4.558 ha rau các loại và 18/1.480 ha khoai lang. Thời tiết đang tốt dần, đây là thời điểm thuận lợi để bà con nông dân tranh thủ sản xuất các cây trồng chủ lực vụ đông. Đặc biệt, các mô hình nhà lưới sẽ tạo cơ hội cho bà con nông dân đầu tư bài bản một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiếp cận tiến bộ KHKT, công nghệ số và ngày càng hiện đại hóa nền nông nghiệp Hà Tĩnh” – ông Phan Văn Huân, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã