Hiệu quả cao từ chương trình vay vốn
Tại hội thi nông dân sản xuất hoa lan giỏi đầu tháng 10 ở huyện Củ Chi (TP.HCM), khán giả lại trông thấy bà Nguyễn Thị Bé bước lên bục nhận giải mô hình sản xuất hoa lan giỏi. Bà Bé năm nay đã 70 tuổi, là chủ vườn lan Mokara Minh Dũng 10.000m2 ở ấp Bến Đò 2 (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi).
Bà Nguyễn Thị Bé bên mô hình trang trại hoa lan cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Hồ Văn
Tổng số lao động - việc làm tạo ra thông qua các phương án sản xuất được hỗ trợ lãi vay khoảng 53.714 lao động, trong đó có 6.151 lao động là đối tượng hộ nghèo. |
Đầu năm 2016, bà mạnh dạn mở rộng diện tích lên 10.000m2 với vốn đầu tư làm vườn hết 1,2 tỷ đồng, trong đó vay ưu đãi hết 600 triệu. Chỉ sau 2 năm bà đã trả xong nợ ngân hàng. Bà Bé đang trồng 30.000 gốc lan Mokara, mỗi tuần cung cấp từ 4.000 – 6.000 cành lan cho thị trường. Mỗi năm, bà còn xuất bán 10.000 cây giống cho nông hộ trong vùng và các tỉnh lân cận.
Cũng vì làm đồng loạt như thế, tuổi của vườn lan sẽ đồng đều nhau. “Phải làm đồng bộ như thế mới dễ nhận được các đơn hàng lớn. Mỗi năm, tôi thu nhập bình quân 800 triệu đồng” - bà Bé nói.
Theo Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, trong huyện cũng có rất nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng lan và đem lại thu nhập ổn định hàng tỷ đồng hộ/năm. Trong đó, có thể kể đến trang trại lan Huyền Thoại của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi). Năm 2007, được sự giới thiệu của ngành nông nghiệp huyện, chị Huyền trồng thí điểm 4.000 gốc lan Mokara và thấy có hiệu quả. Sau khi nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc, năm 2012 được sự hỗ trợ của UBND TP.HCM, Sở NNPTNT, UBND huyện Củ Chi, theo quyết định hỗ trợ lãi vay, chị Huyền đã mạnh dạn phá bỏ 5ha diện tích đất trồng cao su để chuyển đổi sang trồng lan với 140.000 gốc Mokara, 10.000 gốc lan Denro, đầu tư thêm hệ thống tưới tự động... với tổng số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng.
Nhờ chủ động được thị trường tiêu thụ và có kế hoạch cung ứng cho thị trường đạt hiệu quả, đến nay trang trại lan của chị đã đem lại thu nhập thường xuyên và ổn định mỗi năm bình quân 2 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, chị Huyền còn dự kiến phát triển trang trại thành điểm dừng chân, tham quan du lịch, hướng đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư hệ thống cấy mô để làm chủ khâu sản xuất giống...
Phát huy nguồn lực đa dạng
Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, chương trình ưu đãi vay vốn đã tạo nên nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả tại các huyện NTM, như: Mô hình vườn lan của anh Bùi Văn Cường (ngụ ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM) đầu tư 800 triệu, vay thêm 5 tỷ đồng; mô hình sản xuất cá sấu giống của Công ty Hoàng Ngọc Long, đầu tư 16,358 tỷ và được vay thêm 10 tỷ đồng (từ vốn tín dụng ưu đãi ); mô hình sản xuất bắp giống lai F1 của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam 480ha/1.145 hộ dân, đầu tư 22.622 tỷ, vay 11,5 tỷ đồng; mô hình sản xuất giống lợn của ông Trầm Quốc Thắng - Hợp tác xã Tiên Phong với 22 lợn nọc và 60 lợn cụ kỵ giống GGP, đầu tư 38,465 tỷ đồng, vay 20 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa bò tươi của Hợp tác xã TM-DV-SX-CN Bò sữa Tân Thông Hội đầu tư 37 tỷ, vay 25 tỷ đồng; dự án xây dựng trại chăn nuôi bò thịt kết hợp vườn, ao, chuồng tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi rộng 18.560m2/100 con bò giống Droughtmaster với vốn đầu tư 11.242 tỷ, vay hỗ trợ thêm 7 tỷ đồng…
Theo Văn phòng điều phối NTM, từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay cho thấy, với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (361.741 triệu đồng), sẽ huy động được 30 đồng vốn xã hội (11.187.109 triệu đồng). Trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 18 đồng (6.836.019 triệu đồng), huy động trong dân là 12 đồng (4.351.090 triệu đồng).
Ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM nhận định, thành phố nhiều năm qua luôn cập nhật, bổ sung các chính sách nhằm huy động, phát huy các nguồn lực đa dạng để xây dựng NTM. Thành phố cũng đang có chính sách hỗ trợ vay vốn theo cơ chế đặc thù cho nông dân, doanh nghiêp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển NTM.
Tác giả bài viết: Hồ Văn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã