1.Hạn hán lịch sử 100 năm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Mùa khô 2015-2016, ĐBSCL phải hứng chịu một đợt hạn - mặn lịch sử chưa từng có, gây thiệt hại nặng nề cho 9/13 tỉnh ven biển. Ước tính thiệt hại trong đợt hạn - mặn 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL có thể lên đến 5.500 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất, với trên 160.000ha đất canh tác bị nhiễm mặn, khoảng 600.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt, trên 1 triệu tấn lúa bị thiệt hại.
2.Sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngư dân 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế): Tổng cộng có 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố này, trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Hiện công tác bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại bởi sự cố này đang được các tỉnh khẩn trương chi trả tiền để ngư dân sớm ổn định cuộc sống.
Chương trình “Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch” giúp giới thiệu những địa chỉ cung cấp nông sản sạch tới người tiêu dùng. Ảnh: N.T
3.Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”: Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11.2016, Quốc hội đã thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai từ năm 2013, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã phê duyệt đề án hoặc kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.
4.Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 1,2%: Vượt qua các khó khăn do thiên tai, lũ lụt, ngành nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Sau khi rơi vào tình trạng tăng trưởng “âm” (-0,18%) trong 6 tháng đầu năm, cả năm tăng đạt 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%.
Năm 2016 cũng đánh dấu mặt hàng rau quả có sự phát triển vượt trội khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã “vượt qua mặt hàng gạo”, cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Tương tự, mặt hàng tôm nước lợ đã phục hồi và gia tăng mạnh mẽ, chỉ trong 6 tháng cuối năm sản lượng tôm đạt vượt 650.000 tấn. Đây là một mốc lịch sử đối với tôm. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con (tăng 4,8%), đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con (tăng 6,6%)…; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2015. Lần đầu tiên, ngành chăn nuôi tiêu thụ ra ngoài nước đạt 600.000 tấn với giá trị trên 1 tỷ USD.
5.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam”: Ngày 18.12, hội nghị này thu hút tới 500 doanh nghiệp, cùng lãnh đạo 22 tỉnh, thành tham dự. Tại hội nghị, Thủ tướng đã quyết gói vốn tín dụng ưu đãi 50.000-60.000 tỷ đồng để áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, Thủ tướng nhất trí với các ý kiến là cần thiết phải sửa điều 193 Luật Đất đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và Thông tư 23 của Bộ TNMT về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.
6.Tập đoàn Vingroup thông báo đầu tư 4.000 tỷ đồng trồng rau quả sạch: Tại hội thảo “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”, Tập đoàn Vingroup đã công bố thông tin sẽ đầu tư 4.000 tỷ đồng cho công ty thành viên là VinEco để đầu tư sản xuất rau quả sạch. Song với với việc xây dựng 14 nông trường tập trung, công ty VinEco cũng khởi động chương trình đồng hành cùng 1.000 hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất sạch.
Không chỉ Vingroup, hiện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đang tập trung đầu tư vào nông nghiệp như TH true MILK, Hòa Phát, Minh Phú, Việt- Úc, Dabaco, Ba Huân... với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.
7.Hình thành 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn: Nông sản, thực phẩm an toàn theo chuỗi là một khái niệm mới dùng để chỉ các sản phẩm được áp dụng các quy trình an toàn từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Cũng trong năm 2016, lần đầu tiên Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN khởi động Chương trình truyền thông Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch và tổ chức lễ ký cam kết cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với 15 doanh nghiệp là các tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Cũng trong năm 2016, nạn sử dụng chất cấm (Salbutamol và Vàng ô) trong chăn nuôi, tồn dư thuốc BVTV trên rau đã giảm một cách đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hóa chất trong BVTV hiện vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
8. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản gia tăng ở mức kỷ lục, đạt khoảng 32,1 tỷ USD: So với năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tăng 1,7 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%... Duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu cũng có mức gia tăng cao như thức ăn chăn nuôi, ngô, bò thịt...
9. Có 253 người chết, thiệt hại 39.000 tỷ đồng do thiên tai: Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Bộ NNPTNT, tổng số người bị chết từ đầu năm đến nay là 253 người, tống số tiền bị thiệt hại là 39.000 tỷ đồng, 700.000ha lúa và hoa màu, 400.000ha cây ăn quả, 1.410 tàu thuyền bị chìm và phá hủy. Thiên tai gây thiệt hại ở hầu hết các khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của đất nước như Tây Nguyên, ĐBSCL, Nam Trung Bộ…
Trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam phải kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Tổng nguồn lực huy động cho ứng phó khẩn cấp khoảng 26,4 triệu USD, đáp ứng 54,4% tổng nhu cầu cần hỗ trợ. Trong kế hoạch phục hồi từ nay đến năm 2020, theo tính toán của 18 tỉnh bị ảnh hưởng và tổng hợp của Bộ NNPTNT ước tính là 23.537 tỷ đồng.
10. Cả nước đã có 2.235 (25,07%) xã đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành mục tiêu có 25% số xã đạt chuẩn năm 2016): Còn 261 xã dưới 5 tiêu chí (3,36%). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,45 tiêu chí/xã; 30 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, năm 2016, qua kết quả kiểm toán cho thấy các địa phương trên cả nước đã nợ đọng hơn 15.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các địa phương đã chủ động và từng bước có giải pháp xử lý, khắc phục vấn đề nợ đọng giảm trên 2.000 tỷ đồng, xuống còn 13.000 tỷ đồng.
Theo NTNN bình chọn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã