Tôi điện cho anh Lê Văn Cường - người chủ trại nổi tiếng ở Đà Lạt thì mới biết, đó là các cơ sở đang cộng tác với anh để trồng ớt, bán cho Nhật Bản. Người Nhật cấp giống cho cơ sở anh Cường và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Anh Cường giao thêm cho một số trại trong vùng để cùng làm. Công việc vào nền nếp. Người sản xuất đảm bảo đúng quy trình, đúng tiến bộ. Sản phẩm làm ra đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Người mua giữ đúng hợp đồng. Tất cả đều có lợi.
Tôi nghĩ, đây là cách làm ăn của thời đại. Chúng ta phải đảm bảo chữ tín để duy trì mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Bà con mình không thể phó mặc cho thị trường khi không chịu gắn tránh nhiệm của mình vào với sản phẩm. Niềm tin mà không có thì sản phẩm dễ bị dìm giá. Mấy hôm nay ở Hà Nội, giá củ cải quá rẻ: 10.000 đồng có thể mua được 4-5kg! (trong lúc chỉ bơm 1 lốp xe người ta đã thu từ 5.000-10.000 đồng). Vì vậy, nông dân phải liên kết lại và hợp tác với các đối tác chắc chắn. Cả 2 phía phải cùng giữ chữ tín thì việc làm ăn mới thành công. Bà con nên tới thăm hoặc trao đổi trực tiếp với anh Cường (ĐT: 0913.181.419) để hiểu thêm về cách làm ăn của họ.
Ớt đâu chỉ để xuất khẩu. Ở trong nước, lượng ớt tiêu thụ cũng rất lớn. Ta có cả ớt cay và ớt ngọt. Ớt cay có rất nhiều giống như ớt chỉ thiên, ớt tím, ớt cà, ớt sừng trâu... Người ta dùng nó làm gia vị hàng ngày.
Ớt không khó trồng và cũng không kén đất. Tuy nhiên, vùng trồng ớt nên chọn nơi cao ráo và thoát nước tốt. Ở đồng bằng, nếu trồng ớt bà con phải lên luống cao và rãnh thoát nước phải đủ sâu và đủ rộng. Nếu để đất quá ẩm thì cây rất dễ bị bệnh thối cổ rễ và bệnh héo cây. Ta nên rắc vôi bột lên luống kết hợp với việc phun các loại thuốc trừ nấm gốc đồng để hạn chế nấm hại. Phải bón lót phân chuồng hoai mục và một lượng lân lớn (khoảng 500kg/ha). Nếu đất chua thì phải bón thêm vôi.
Ớt có thể trồng mật độ 25-30.000 cây/ha. Ta ươm hạt khoảng 1 tháng, cho tới khi cây được 5-6 lá thật và cao khoảng 10-15cm thì nhổ đi trồng. Sau khi trồng 15 ngày, ta bón thúc lần thứ nhất. Sau đó, tiếp tục bón thúc thêm 2 lần nữa khi cây bắt đầu ra hoa và thu hái quả lần đầu. Tuy ớt không chịu được úng nhưng đòi hỏi đất phải luôn luôn đủ ẩm. Phải chú ý nhổ cỏ, xới xáo đất và vun gốc thường xuyên. Sâu hại đối với ớt chủ yếu là sâu khoang, sâu xanh, rầy xanh, bọ phấn và nhện trắng. Ngoài ra, các bệnh héo xanh, bệnh thán thư, bệnh xoăn lá, bệnh khô héo nhánh cũng phải đề phòng.
Điều quyết định thành bại của các vùng trồng ớt lại chính là thị trường. Đầu ra mà ổn định thì bà con ta trồng ớt sẽ thắng to.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã