Vực dậy một làng nghề
Nghệ nhân chạm khắc gỗ Ba Hiệp ở làng nghề Chợ Thủ cho biết, nghề mộc đã xuất hiện ở đây cả trăm năm, hưng thịnh nhất vùng ĐBSCL. Tuy nhiên tới khoảng năm 1990, các trại mộc bị đình đốn, đóng cửa phần vì không chủ động được gỗ nguyên liệu, phần vì cung cách quản lý không tốt, những người thợ mộc phải kéo nhau đi TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh ĐBSCL để làm ăn...
Nghệ nhân Ba Hiệp chia sẻ thêm, bên cạnh hỗ trợ thúc đẩy tổ chức sản xuất, làng nghề cũng được hỗ trợ về vùng nguyên liệu. Tại An Giang, một số vùng được quy hoạch thành rừng trồng và được phép khai thác bán cho làng nghề. Ngoài ra thợ làng có có nguồn nguyên liệu dồi dào trung chuyển qua TP.HCM. Các hộ ở đây cũng phát triển theo hướng chuyên nghiệp là hình thành những trại cưa riêng để chế biến gỗ theo yêu cầu của từng cơ sở làm nghề mộc và chạm khắc. Nhờ đó, kích thước và kiểu dáng sản phẩm rất đa dạng.
Đa dạng hóa sản phẩm
Để trụ vững và phát triển, các cơ sở mộc không ngừng thay đổi cách làm, đầu tư máy cưa xẻ gỗ, sử dụng chủ yếu là nhóm gỗ tốt như giáng hương, cẩm lai, bên, trắc, thao lao… để làm ra sản phẩm cao cấp có giá từ 2,5 - 50 triệu đồng/sản phẩm. Bà Trần Thị Thu - chủ cơ sở mộc Thu Thanh cho biết: “Sản phẩm trang trí nội thất của các cơ sở do tự nghệ nhân vẽ, chạm khắc nhập tâm, thật khéo léo, tỉ mỉ trong từng nhát búa, động tác đục, đẽo, gọt...”. Sản phẩm của làng nghề cũng rất đa dạng, từ tủ áo, tủ thờ, giường, bàn, ghế, khung hình, bao lam, thành vọng, đế thờ, khánh thờ, chân đèn, tượng Phật và những bức phù điêu theo trường phái mỹ thuật Tây Âu... Ngoài ra, ở giữa vùng cù lao, làng nghề này cũng sản xuất cả ghe thuyền…
Với làng nghề Chợ Thủ, Nghệ nhân Trần Văn Lai (thường gọi là ông Tư Chia) được coi là “hạt nhân” tài hoa của làng khi học hỏi, du nhập được nhiều mẫu mã mới về làng. Các sản phẩm của ông được khách hàng nước ngoài rất ưa thích..
Những dịp lễ, tết... các mặt hàng gỗ cẩn, hoành phi, câu đối của làng nghề tỏa đi khắp nơi trong nước. Ngoài số khách hàng trực tiếp đến tận nơi mua, sản phẩm mộc ở huyện Chợ Mới còn theo đường xe đi Long Xuyên, Châu Đốc... theo đường thủy xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu xa xôi hoặc ngược lên TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương hay ra tận miền Trung, miền Bắc...
Nghệ nhân Trần Văn Lai chia sẻ, nghề mộc, chạm khắc hiện đã lan ra một số xã khác trong huyện. Tuy nhiên, ông vẫn trăn trở bởi nhiều chủ cơ sở đã quen với cung cách sản xuất hộ gia đình nhỏ, lẻ theo kiểu “tự sản tự tiêu”. Sản phẩm tuy đẹp, chất lượng… nhưng chưa có thương hiệu riêng nên không đủ sức cạnh tranh thật sự trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, thợ nghề chưa được học hỏi bài bản từ bản vẽ tới an toàn lao động mà chủ yếu học kiểu truyền nghề. Vì thế, ông vẫn mong có thêm sự chung tay của nhà nước và các nghệ nhân đầy tâm huyết... phát triển thương hiệu làng nghề, nhân rộng nghề ở trong huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã