Theo điều tra về ATTP đối với sản phẩm rau do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) thì việc quản lý ATTP sản phẩm rau với các chợ bán buôn, chợ đầu mối chưa được quan tâm, mặc dù đây là đầu mối cung ứng rau về hầu hết các chợ bán lẻ của Hà Nội.
Hiện chưa có chợ bán buôn nào ở Hà Nội phân khu riêng cho RAT. Do đó tỷ lệ RAT được cung ứng tại chợ bán buôn còn hạn chế. Theo ước tính của đại diện BQL chợ Long Biên, chợ Hôm Đức Viên và chợ Đồng Xa, lượng RAT cung ứng tại các chợ này chỉ dưới 10%. Trong khi đó Ban quản lý chợ rau Vân Nội, Đền Lừ không xác định được lượng RAT thực tế.
Bên cạnh công tác kiểm soát lỏng lẻo thì nhận thức của người bán, người mua còn thấp. Khoảng 73% người bán buôn rau không phân biệt được RAT, số người mua rau không phân biệt được là 95%. Chỉ có khoảng 60% số người mua rau thực sự quan tâm đến ATTP của sản phẩm rau. Điều đáng nói có 30% người buôn rau được điều tra cho rằng không cần thiết phải cung cấp RAT vì không có lãi, chi phí sản xuất RAT cao.
Thực tế người mua cũng không thật sự tin tưởng vào chất lượng của RAT bởi không có các công cụ để kiểm tra độ an toàn của rau, không biết căn cứ vào đâu để phân biệt RAT và không an toàn.
Hơn nữa nhiều nơi sản xuất rau RAT nhưng quy trình giám sát không chặt chẽ. Người dân sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật gây mất uy tín chung.
"Vàng thau lẫn lộn" thương hiệu RAT chưa được bảo vệ đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh RAT chân chính.
Nhiều người khi được hỏi cho biết, mặc dù mua rau ở siêu thị, chấp nhận giá cao hơn nhưng bản thân họ cũng chưa thật sự tin tưởng là RAT. Bởi sản phẩm rau ở những siêu thị lớn nhưng cũng không hề có bao bì hay nhãn mác chứng minh về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Tâm lý lo ngại, chưa thật sự tin tưởng đã khiến người tiêu dùng chấp nhận mua rau ở chợ cóc, chợ tạm...và khiến cho đầu ra của RAT càng khó khăn hơn.
Sáng 29/10, tại hội thảo “Quản lý ATTP đối với sản phẩm rau từ hộ sản xuất nhỏ đến các đầu mối phân phối”, ông Dương Ngọc Thí- Phó viện trưởng viện chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho biết hiện nay việc quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau còn nhiều bất cập và nhấn mạnh cần phải tìm ra được những giải pháp, đề xuất phù hợp để phát triển RAT, bảo đảm an toàn thực phẩm với mặt hàng rau quả.
Đưa ra giải pháp về này, Bà Lê Thị Hồng, Vụ Thị trường trong nước- Bộ Công thương : "Việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng nông sản đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các bên liên quan trong xây dựng chuỗi cung ứng gồm sản xuất, chế biến, phân phối nhằm giữ vững uy tín thương hiệu, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm".
Theo bà Hồng thị trường hiện nay, các mặt hàng rau quả thực phẩm vẫn đang được tiêu thụ, cung ứng theo các kênh truyền thống, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm không được quan tâm nhiều. Nguồn tiêu thụ hàng rau quả còn phụ thuộc vào thương lái do chưa có đầu ra riêng và ổn định, thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh, sản xuất. Quan hệ buôn bán giữa nông dân và thương lái không có ràng buộc chắc chắn dẫn đến nhiều rủi ro trong tiêu thụ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Ngoài việc khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng phải tăng cường chế tài xử phạt, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…
Đến tham dự hội thảo, còn có đại diện tổ chức Veco Việt Nam. Theo Veco thì chiến lược phát triển rau an toàn (RAT) không đạt hiệu quả như mong muốn vì không phù hợp với hộ sản xuất nhỏ. Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí cao.
Do đó Veco hỗ trợ thúc đẩy áp dụng hệ thống cùng tham gia bảo đảm chất lượng (PGS) cho các nông hộ sản xuất rau an toàn quy mô nhỏ, đồng thời nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hệ thống PGS là một hướng mới trong quản lý an toàn thực phẩm được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Sự khác biệt của hệ thống PGS là sự liên kết chặt chẽ giữa những người sản xuất nhỏ, các khối tư nhân trong quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩm an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng.