Trong bối cảnh thị trường cần chất lượng, thương hiệu hơn là số lượng, An Giang quyết tâm tái cơ cấu, đổi mới nông nghiệp theo chiều sâu, phát huy vai trò bệ đỡ của nông nghiệp cho cả nền kinh tế.
Anh Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức), được mênh danh là “vua lúa” ở vùng Tứ giác Long Xuyên, phân tích: Bây giờ lúa gần như được sản xuất liên tục, không lúc nào là không có lúa trong dân.
An Giang quyết tâm đổi mới để khai thác thế mạnh nông nghiệp
Do vậy, rất khó kỳ vọng giá lúa tăng khi mà cung lớn hơn cầu. Muốn tăng giá trị sản xuất, phải chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ đặc sản hoặc chuyển sang loại cây trồng khác mà thế giới đang cần. Nhận thấy chuối là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, nhu cầu lớn nhưng sản lượng chưa đáp ứng, anh Sáu Đức quyết định liên kết với Cty CP Đầu tư Chuối Việt trồng 165ha chuối. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai 65ha ở xã Vĩnh Gia, giai đoạn 2 triển khai 100ha ở xã Lương An Trà.
Hiện nay, anh Sáu Đức đã xuống giống được 30ha. Chuối đang phát triển khá tốt, phù hợp với vùng đất còn nhiễm phèn. Nếu mô hình này phát huy hiệu quả, anh sẽ chuyển dần diện tích sản xuất lúa giống sang trồng chuối xuất khẩu.
Trước đó, thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND huyện Tri Tôn, Cty TNHH MTV Chế biến nông sản Vĩnh Phát (TP Long Xuyên, An Giang) đã quyết định đầu tư dự án 400ha chuối ở xã Vĩnh Phước. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai 270ha, giai đoạn 2 mở rộng thêm 130ha nữa. “Đến nay, chúng tôi đã xuống giống được 130ha. Hiện chuối đã phát triển được 3 - 5 tháng. Dự kiến tháng 3/2017, chuối sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên. Đầu ra cho giống chuối Nam Mỹ này không phải lo bởi công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông…”, đại diện Cty Vĩnh Phát phấn khởi.
Ông Đỗ Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cho biết, trước những khó khăn của cây lúa, huyện đã có chủ trương tái cơ cấu và chuyển một phần đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Tri Tôn quy hoạch chuyển 2.500ha đất lúa sang trồng chuối công nghệ cao, hình thành vùng chuyên canh phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: Nếu như trước đây, Philippines là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu chuối thì hiện nay, nhiều nước nhập khẩu đang rất chuộng chuối Việt Nam. Đặc thù của chuối khi trồng liên tục trên cùng một vùng đất rất dễ nhiễm bệnh. Nhiều vùng đất của Việt Nam mới trồng lần đầu nên chuối phát triển tốt, ít rủi ro nhiễm bệnh, các nhà nhập khẩu yên tâm hơn. Tại An Giang đã quy hoạch hơn 10.000ha chuối. Trước mắt, tỉnh ưu tiên trồng ở Tri Tôn vì đây là vùng đất còn nhiễm phèn, trồng chuối hiệu quả hơn một số loại cây trồng khác. Từ huyện Tri Tôn, tỉnh sẽ nhân rộng cây chuối ra các vùng có điều kiện, nhất là vùng sản xuất lúa còn kém hiệu quả như Bảy Núi.
Ông Thư cho biết thêm, một trong những mục tiêu của tái cơ cấu NN là nhằm nâng thu nhập của người dân nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 49 triệu đồng/năm, gấp 3,3 lần so với năm 2010.
Việc chuyển những diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang liên kết trồng chuối xuất khẩu là một trong những nội dung được tỉnh An Giang rất chú trọng. “Tái cơ cấu có nghĩa là tạo ra giá trị cao hơn trên cùng diện tích, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và phải gắn với thị trường tiêu thụ. Dựa trên các tiêu chí này, từng địa phương sẽ lựa chọn cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất phù hợp nhưng quan trọng là phải có sự tham gia liên kết của doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi phân tích.
Một trong những mô hình tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp khá hiệu quả hiện nay ở An Giang là phát triển nuôi heo ứng dụng công nghệ cao (CNC). Trong đó, nổi bật là các trang trại heo giống chất lượng cao của Cty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng An Giang (Cty Việt Thắng An Giang).
Ông Võ Thanh Hùng, GĐ Cty Việt Thắng An Giang, chia sẻ: Dù Việt Nam là một nước nông nghiệp, ngành chăn nuôi phát triển rất mạnh nhưng thực tế, phần lớn lợi nhuận lại rơi vào các tập đoàn nước ngoài do chưa có các trung tâm giống chất lượng cao, nguồn thức ăn chăn nuôi (TĂCN) lại chủ yếu nhập khẩu. Thực tế, thị trường thịt, trứng của Việt Nam đều bị nước ngoài chi phối. Đối với TĂCN, 80% là do các doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) cung cấp, riêng đối với TĂCN cho gia súc, gia cầm, doanh nghiệp FDI chi phối đến 90%. Nếu không tự sản xuất con giống chất lượng cao, chủ động nguồn TĂCN thì người chăn nuôi ở Việt Nam đều bị các “ông bự” điều tiết lợi nhuận hết.
Từ thực tế trên, Cty Việt Thắng An Giang quyết định đầu tư các trại heo giống CNC, quy mô lớn tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Các trang trại sử dụng con giống bố mẹ và công nghệ lai tạo giống của Đan Mạch - nơi nổi tiếng cung cấp con giống và thịt heo chất lượng cao cho toàn châu Âu.
Tại huyện Tri Tôn có 2 trang trại được xây dựng tại xã Lương An Trà và Lương Phi với tổng vốn 435 tỷ đồng, nuôi 2.930 con heo giống, tạo ra 81.200 heo con chuyên thịt/năm. Tại xã An Cư (huyện Tịnh Biên), Cty xây dựng trang trại rộng 30ha, sử dụng đến 5.000 con heo giống. “Mong muốn của chúng tôi là xây dựng An Giang thành trung tâm con giống chất lượng cao, cung cấp heo giống cho toàn vùng ĐBSCL, sản xuất heo thịt cung cấp cho cả nước và xuất khẩu với chất lượng sạch, an toàn thực phẩm.
Dự kiến tháng 4/2017, Việt Thắng sẽ khánh thành nhà máy TĂCN ở Long An. Đây là nhà máy sử dụng hệ thống làm chín thức ăn đầu tiên ở Việt Nam (công nghệ sản xuất TĂCN hiện nay chưa làm chín, còn sử dụng kháng sinh). Khi bắt đầu lai tạo giống heo con, Cty Việt Thắng An Giang sẽ liên kết với các hộ triển khai nuôi heo thịt. Hiện tại, giá thành nuôi heo tại Đan Mạch khoảng 1,2 Euro/kg thịt. Khi ứng dụng công nghệ nuôi này tại Việt Nam, giá thành nuôi cũng không quá 1,3 Euro/kg thịt (khoảng 32.000 đồng/kg). So với giá bán luôn hơn 40.000 đồng/kg heo hơi, người nuôi sẽ có lời cao. Nếu bán ra miền Bắc, giá còn tăng thêm 4.000 - 5.000 đồng/kg”, ông Hùng thông tin.
Ngoài Cty Việt Thắng An Giang, huyện Tri Tôn đã thu hút được thêm một số DN đầu tư nuôi heo CNC như: Cty Hoàng Vĩnh Gia (đầu tư 84,6 tỷ đồng ở xã Vĩnh Gia, nuôi 12.000 con heo thịt/đợt, 2 đợt/năm), Trang trại Nga Nguyễn (quy mô 1.000 con tại xã Lương Phi)...
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết: Phấn đấu đến năm 2020, Tri Tôn sẽ tăng đàn heo lên 85.000 - 90.000 con. Huyện đang chuẩn bị thành lập HTX Nông Việt Xanh ở xã Lương An Trà để gắn kết nuôi gia công cho Cty Việt Thắng An Giang, sau đó mở rộng nuôi gia công ở các nơi khác.
Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết thêm: Để đổi mới nông nghiệp, tỉnh đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020. Theo đó, các ngành hàng thế mạnh của tỉnh như lúa, cá tra, bò, heo, rau màu, nấm ăn - nấm dược liệu… đều được sắp xếp lại.
Ủng hộ DN đầu tư sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao
Tỉnh An Giang cũng quyết tâm xây dựng vùng chuyên canh sản xuất và cung ứng rau màu cho các tỉnh phía Nam và phục vụ xuất khẩu. Đối với cá tra, ngoài quy hoạch vùng nuôi chuyên canh có liên kết với doanh nghiệp, An Giang còn xây dựng trung tâm sản xuất giống cá tra đạt tiêu chuẩn tiên tiến (GlobalGAP, ASC) để cung ứng cho vùng ĐBSCL.
Cùng với quy hoạch phát triển đàn bò đạt quy mô 200.000 con đến năm 2020 (85% là bò lai), tỉnh khuyến khích doanh nghiệp thành lập trang trại, phát triển công nghệ chế biến rơm, thân cây bắp, cỏ để làm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) cùng với nguyên liệu sẵn có tại địa phương (tấm, cám, bắp) để giảm giá thành, tăng chất lượng thịt bò…
Tác giả bài viết: XUÂN LỘC - HOÀNG VŨ
Nguồn tin: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã