Tuy vậy, với sự chủ động từ công tác chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó đến công tác khắc phục hậu quả, Hà Tĩnh đã giảm thiểu được những tổn thất do “siêu” bão gây ra, nhất là không có thiệt hại về người trong bão...
Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi người dân bị thiệt hại nặng ở phường Kỳ Liên, TX. Kỳ Anh
Quyết liệt chỉ đạo, chủ động “4 tại chỗ”...
Ngay khi hình thành ngoài biển Đông, khả năng tàn phá và diện ảnh hưởng của cơn bão đều được cập nhật, cảnh báo một cách thường xuyên, chính xác từ các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và hệ thống thông tin đại chúng. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và tỉnh Hà Tĩnh cũng luôn trong trạng thái “đứng ngồi không yên”. Ngay trước ngày cơn bão đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác Trung ương đã trực tiếp vào Hà Tĩnh để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 10.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng tổ chức các đoàn về cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu để chỉ đạo, đôn đốc, động viên cán bộ, nhân dân tuyệt đối không được chủ quan với “siêu” bão. Cảm động hơn, đang ở châu Âu nhưng Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã quyết định kết thúc sớm chuyến công tác để tức khắc “bay” về, vào thẳng vùng tâm bão Kỳ Anh để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai, thăm hỏi, động viên nhân dân đang phải sơ tán, tránh trú bão...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ...
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chỉ đạo các phương án phòng chống bão ở TX. Kỳ Anh
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của trung ương, của tỉnh, phương châm “4 tại chỗ” đã được cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ. Theo đó, các lực lượng chức năng (công an, quân sự, biên phòng, cảnh sát biển) tổ chức ứng trực 24/24h tại những địa bàn xung yếu; kiên quyết tổ chức di dời dân đến nơi an toàn; cử người thường xuyên tuần tra canh gác để phát hiện, xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong mưa bão; bố trí phương tiện (thuyền, ca nô, máy xúc ủi...), bao cát, cọc chống… tại những địa bàn xung yếu như đê sông, đê biển, những điểm thường xuyên bị sạt lở để khắc phục ngay tình trạng sụt lún, tránh nguy cơ vỡ đê.
Ông Ngô Đức Hợi - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: “Từ chiều 13/9, tất cả tàu thuyền của địa phương đã được kết nối liên lạc, chỉ đạo vào nơi tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ đập điều tiết đón lũ, nhờ vậy, đảm bảo được an toàn 100% hồ đập và vùng hạ du; huy động, chỉ đạo các lực lượng giúp bà con nhân dân gặt lúa, thu hoạch nông sản trước khi bão đổ bộ”.
Tính mạng, đời sống người dân là trên hết!
Ngay sau lệnh tập trung sơ tán dân, đảm bảo an toàn tính mạng người dân của các cấp được phát đi, lần đầu tiên ở Hà Tĩnh, cuộc “di dân” được triển khai một cách khẩn trương, tập trung cao nhất. Dân chưa yên, cán bộ chưa được nghỉ, từ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các cấp chính quyền, lực lượng địa phương đều nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cho người dân. 21h đêm 14/9, trước khi bão đổ bộ, những chuyến xe bus, xe khách vẫn “xuyên đêm” đưa người dân đi sơ tán.
Các địa phương kịp thời di dời dân đến nơi an toàn
Chị Nguyễn Thị Hà (thôn Xuân Bắc, thị trấn Thiên Cầm) cho biết: “Chúng tôi được di dời lên tránh bão tại Trường THPT Cẩm Xuyên. Ở đó, mọi người được cán bộ huyện và người dân xung quanh rất quan tâm, lo ăn uống đầy đủ. Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền đã lo lắng cho người dân”.
Theo kế hoạch, TX Kỳ Anh sẽ di dời hơn 2.900 dân, thế nhưng, trước khi bão vào, với tinh thần cảnh giác cao, thị xã đã mở rộng diện sơ tán với hơn 3.600 người di dời đến nơi tránh trú an toàn. Ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Trong quá trình đó, rất nhiều hộ dân một số địa phương ven biển không chịu di dời. Trước tình thế đó, một mặt, thị xã tổ chức triển khai lực lượng hỗ trợ chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản để bà con yên tâm sơ tán, mặt khác, cương quyết tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính bản thân họ. Ngoài ra, thị xã cũng đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để bà con nắm bắt thông tin, chủ động phòng chống và sơ tán”.
“Với một địa phương có nhiều xã vùng ven, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão như TX Kỳ Anh, những giải pháp, thành công trong phòng chống bão số 10 vừa qua thực sự là những kinh nghiệm quý, cần được đúc rút như một bài học lớn trong ứng phó với thiên tai thời gian tới” - ông Phan Duy Vĩnh nhấn mạnh.
Bão vừa đi qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các bộ, ngành trung ương cũng kịp thời có mặt tại Hà Tĩnh để động viên cán bộ, nhân dân vùng thiệt hại nặng do mưa bão sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng “như con thoi”, hết miền xuôi đến miền ngược, trực tiếp đến tận các địa phương để thăm hỏi, chia sẻ mất mát với nhân dân; đồng thời, chỉ đạo các lực lượng, cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách với thông điệp xuyên suốt: Không để dân thiếu đói, học sinh không bị gián đoạn việc học; khắc phục nhanh nhất các công trình, hệ thống bị hư hỏng, sự cố do mưa bão!
Quyết tâm cao hơn bão lớn…
Ngay trong buổi sáng đầu tiên khi cơn bão đi qua, TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân đã rợp màu áo của các chiến sỹ bộ đội, công an nhân dân và hàng trăm ĐVTN tình nguyện tiên phong giúp dân khắc phục hậu quả.
Thiếu tá Diệp Anh Trường - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh) cho biết: “Ngay sau khi bão tan, 150 cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã nhanh chóng vào những địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của TX Kỳ Anh để giúp đỡ người dân. Chúng tôi đã chia thành 3 nhóm đến các trường học, công trình, nhà dân ở xã Kỳ Nam và phường Kỳ Liên để sửa chữa, khắc phục, dọn dẹp”. Lực lượng đi đến đâu, mọi đổ nát được thu dọn đến đó, cuộc sống sôi động trở lại. Chiến sỹ giúp dân lợp lại mái nhà, vệ sinh lớp học, trường học…
Các chiến sỹ bộ đội, công an...
Tại huyện Kỳ Anh, trong ngày 16/9 cũng đã có trên 500 chiến sỹ công an, bộ đội, 700 ĐVTN và hàng ngàn người tỏa về các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão. Ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Mục tiêu là đảm bảo đời sống cho nhân dân, không để dân đói, dân bị bệnh tật, huyện đã huy động lực lượng tại chỗ và các lực lượng công an, quân sự để cùng giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời gian ngắn nhất. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm soát tình hình ANTT trên địa bàn; tiếp tục thông tuyến giao thông ở những địa phương bị chia cắt, cố gắng khắc phục hậu quả sớm để bà con yên tâm bắt tay vào sản xuất”.
Người dân Cẩm Nhượng trở về làng sau 2 ngày “di dân” đã vội vàng bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả của mưa bão. Chị Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: “Nhìn ngôi nhà bị tốc mái, đổ nát mới thấy, nếu không di dời thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Chính quyền yêu cầu dân di dời là rất đúng. Giờ thì mọi người vẫn bình an là tốt rồi. Ở nhà, bố con đang dọn dẹp cây cối, vật dụng trong nhà, còn phụ nữ chúng tôi lại ra chợ bán cá”... Thiên Cầm - khu du lịch nổi tiếng của Hà Tĩnh bị bão tàn phá đến hoang tàn. Ngay sau bão, các ông chủ nhà hàng, khách sạn cũng hối hả sửa sang để kịp đón những du khách cuối mùa du lịch.
Huyện Cẩm Xuyên đã huy động 300 CBCS, 200 ĐVTN giúp người dân các địa phương khắc phục thiệt hại. Nhờ đó, đến chiều 17/9, số nhà dân bị tốc mái đã được sửa chữa; công tác vệ sinh môi trường được xử lý kịp thời; người dân từng bước ổn định đời sống.
...thanh niên tình nguyện giúp dân dọn dẹp, khắc phục sau bão
Với tư thương Kỳ Anh, sót lại là những xấp vải, quần áo lem màu, sũng nước; cơ sở vật chất ngổn ngang. Tiểu thương chợ Kỳ Anh đang cố gắng lượm lặt những gì còn lại sau bão. Vấn đề không chỉ là tiền, hoạt động giao thương trở lại chính là biểu hiện của cuộc sống đang hồi sinh.
Tại Lộc Hà, ngay sáng 16/9, khi bão dữ tan, gần 100 cán bộ, chiến sỹ công an, quân sự, biên phòng và đông đảo ĐVTN, phụ nữ, người dân trên địa bàn cùng nhiều phương tiện, xe, máy... đã có mặt để giúp bà con dọn dẹp, khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và hoạt động SXKD...
Tình người vẫn luôn sáng trong hoạn nạn, những tấm lòng vàng đang hướng về bà con vùng bị thiệt hại. Tấm áo lúc mưa to, gió lớn; gói mì tôm khi đói; hay như việc nhiều người cùng xúm lại để nâng cây đổ nặng chắn đường, đè lên mái nhà..., những cử chỉ dù nhỏ nhất cũng đang cộng hưởng, thắp lên tình nhân ái. Truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người dân khắp mọi miền Tổ quốc sẽ giúp người dân vùng bão có thêm điểm tựa, sức mạnh để vượt qua hoạn nạn…
Nhóm P.V/ Báo hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã