Sáng 10-3 (thứ 7), Chợ phiên Nông sản an toàn tại quận Bình Tân lần đầu được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Tân Bình (448 Hoàng Văn Thụ, phường 4), sau đó sẽ diễn ra định kỳ vào sáng thứ 7 hằng tuần. Đây là chợ phiên thứ 4 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM tổ chức nhằm triển khai quyết định của UBND TP HCM về Chương trình phát triển kênh sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (Gap) giai đoạn 2016-2020.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho thấy, ở 3 phiên chợ đã hoạt động ổn định trước đó gồm: chợ phiên Đông Hồ, chợ phiên công viên Lê Thị Riêng (quận 10) và chợ phiên công viên Lê Văn Tám (quận 1) ngoài doanh thu bán lẻ trực tiếp, các đơn vị bán hàng đã ký được những hợp đồng bán sỉ với tổng giá trị 15,6 tỉ đồng/tháng. Chợ phiên là nơi bán các loại nông sản phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của người dân như: gạo, rau củ, trái cây, thịt heo, gà, tôm, cá,… có giá trị thấp nên để đạt được doanh số trên các đơn vị đã bán được lượng hàng rất lớn.
Chợ phiên Nông sản an toàn tại chợ Tân Bình thu hút rất đông người tiêu dùng đến mua sắm. Từ các chợ phiên, nhiều đơn vị sản xuất nông sản sạch ký được những hợp đồng tiền tỉ
Chợ phiên Nông sản an toàn là nơi bán các loại nông sản đạt chứng nhận VietGap, GlobalGap, Chuỗi thực phẩm an toàn TP HCM được các đơn vị sản xuất bán trực tiếp, nơi người tiêu dùng thành phố tiếp cận được nguồn thực phẩm an toàn, có chứng nhận.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tư vấn nông dân chuyển đổi nuôi trồng sang quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Tại TP HCM, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp còn cấp chứng nhận VietGap miễn phí cho nông dân. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra luôn là nút thắt khiến nhiều trường hợp nông dân không mặn mà duy trì sản xuất VietGap do giá bán không cách biệt so với sản xuất thường hoặc thương lái trộn lẫn hàng sau khi thu mua. Do đó, mô hình chợ phiên giúp phát triển thương hiệu nông sản sạch, cải thiện niềm tin người tiêu dùng vào nông sản Việt.
Ông Nguyễn Văn Trực, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết việc các chợ phiên thu hút được người dân đến mua sắm cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, giá cả hợp lý còn rất lớn. Việc cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát chặt nguồn gốc, chất lượng nông sản kinh doanh tại chợ giúp người dân thêm tin tưởng khi mua sắm. Đáp ứng nhu cầu của người dân, sắp tới chợ phiên sẽ có mở thêm tại quận Bình Tân, quận 2 và quận 7.
Thường xuyên có cán bộ kiểm tra, lấy mẫu giúp các đơn vị chọn kỹ hàng hóa đưa vào chợ kinh doanh. Sáng 10-3, tổ kiểm tra lấy 20 mẫu để kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kết quả đều âm tính.
Do số lượng chợ phiên tăng thêm nên sắp tới công tác quản lý sẽ được xã hội hóa thay cho nhà nước quản lý như hiện nay. Vừa qua, một số đơn vị tham gia chợ phiên đã cùng nhau thành lập Công ty CP Chuỗi nông sản Sài Gòn (SG S.A.P) nhằm liên kết các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp tạo thành chuỗi nông sản an toàn. Khi đó, một số đơn vị đang vừa sản xuất vừa phân phối có thể tập trung khâu nuôi trồng, SG S.A.P sẽ thực hiện khâu phân phối qua các kênh như chợ phiên, nhà hàng khách sạn, bán hàng online và tiến tới xuất khẩu.
Theo Người lao động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã