Năm 2009, xã Tượng Sơn mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng theo hướng sản xuất rau, củ an toàn từ trồng lạc, đậu sang bí xanh Tre Việt. Niềm vui đến với các hộ dân khi trong vụ thu hoạch đầu tiên, cây bí cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với các loại cây khác. Ông Dương Kim Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn nhớ lại: “Khi đó bí được giá nên bà con thu nhập cao lắm. Bình quân 1 sào thu nhập khoảng 15 triệu đồng, tính ra, hộ ít nhất cũng có vài ba chục triệu đồng sau một mùa bí”.
Đến các năm sau đã có hơn 220 hộ tham gia trồng bí, với diện tích lên đến trên 40 ha, sản lượng bình quân mỗi vụ xấp xỉ 1.000 tấn. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi vụ mùa năm nay bí bị “rớt giá” thảm hại và rất khó tiêu thụ.
Ông Dương Quốc Hùng lo lắng khi hơn 4 tấn bí chưa thể tiêu thụ. |
Ông Dương Quốc Hùng, một trong những hộ dân có diện tích bí xanh lớn nhất của thôn Hạ Thanh cho biết: “Vụ bí năm nay, gia đình tôi trồng hơn 1,5 sào, sản lượng khoảng 5 tấn. Tuy nhiên, giá giảm mạnh, từ 4,5-5 ngàn đồng/kg ở những vụ trước nay chỉ còn 1,8-2,5 ngàn đồng/kg”. Khó khăn hơn nữa là đầu ra gần như tắc nghẽn. Đã gần 2 tháng kể từ ngày thu hoạch nhưng gia đình ông Hùng chỉ mới bán được 1 tấn.
Rất nhiều hộ dân phải chở bí đi bán lẻ tại các chợ xa như: TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, thị trấn Thạch Hà... “Cứ khoảng 2-3h sáng là tôi lại chở 5-6 yến bí lên chợ TP Hà Tĩnh bán sỉ cho mấy người trong Kỳ Anh, nhưng cũng khó bán lắm! Quả nào đẹp thì họ mới mua, nhưng với giá bèo. Nếu không bán, bí sẽ bị hỏng nên bán được quả nào hay quả đó” - ông Trần Văn Trí (thôn Phú Sơn) lo lắng về 6 tạ bí của mình.
Ông Dương Kim Huy cho biết thêm: “Những mùa trước, bí làm ra tiêu thụ rất nhanh, thương lái cho xe đến tận nơi thu mua. Năm nay thị trường chững lại, không thấy thương lái đến. Hiện nay, một mặt chính quyền đang nỗ lực liên hệ, tìm kiếm mối hàng mới, mặt khác vận động bà con tích cực mang bí đi bán lẻ tại các chợ để giảm số lượng tồn đọng”.
Được biết, những vụ trước, ngoài các thị trường tiêu thụ trong tỉnh, chính quyền xã Tượng Sơn còn liên hệ với sàn giao dịch nông sản ở Hà Nội và các thương lái ở chợ Vinh về mua cho bà con. Tuy nhiên, vụ bí năm nay các mối hàng lớn này đều từ chối. Theo lý giải của ông Huy thì do năm nay các trạm cân đi vào hoạt động, đẩy cước vận tải tăng lên khiến họ không còn mặn mà với các mối hàng ở xa.
Không chỉ Tượng Sơn, hiện nay, người trồng bí xanh Tre Việt ở xã Thạch Đỉnh cũng đang đau đầu với hơn 120 tấn bí chưa biết bán cho ai. Toàn xã có khoảng 3,5 ha bí xanh Tre Việt được 145 hộ dân trồng tại 2 thôn Văn Sơn, Tây Sơn. Bình quân 1 ha cho thu hoạch khoảng 50 tấn, tổng sản lượng vụ bí năm 2014 đạt hơn 160 tấn. Theo anh Nguyễn Tuấn Trường - cán bộ phụ trách nông nghiệp - địa chính xã Thạch Đỉnh thì hiện nay bà con chỉ mới bán được khoảng 40 tấn, số còn lại chưa tìm được đầu ra.
Có thể khẳng định, qua một thời gian chuyển đổi giống cây trồng từ lạc, đậu sang bí xanh Tre Việt đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, nghịch cảnh được mùa - mất đầu ra đã khiến cho các hộ trồng bí rất hoang mang, lo lắng. Rất mong các cấp chính quyền nhanh chóng nghiên cứu, tìm đầu ra ổn định để bà con yên tâm sản xuất.
Hồ Phúc Quang
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã