Học tập đạo đức HCM

Bí quyết thành công của Lương Tâm

Thứ ba - 04/07/2017 03:37
Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đổi thay từng ngày.

Những con đường, cây cầu mới đã làm vùng đất cách mạng mang một bộ mặt khác hẳn. Đặc biệt, chỉ sau vài năm thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 2 lần.  

Đột phá khâu thu nhập

Lương Tâm là xã “biên giới”, cách rất xa trung tâm tỉnh Hậu Giang. Vùng đất trũng này nằm uốn ven con sông Ngan Dừa (giáp với địa phận tỉnh Bạc Liêu). Trước đây, bà con địa phương chủ yếu canh tác lúa, đất lại không nhiều nên kinh tế chỉ ở mức bình bình. Nhưng hiện nay, nhờ chính sách chuyển đổi sản xuất mà nhiều gia đình chỉ có vài công đất cũng khá giả hẳn lên.

Một mô hình trồng bưởi da xanh ở xã Lương Tâm

Gia đình anh Nguyễn Văn Mận (ấp 2, xã Lương Tâm) có 3 công đất ruộng, canh tác lúa đủ ăn. Vì vậy, vợ trồng anh phải chạy đôn chạy đáo làm thuê làm mướn lo toan cuộc sống. Cách đây vài năm, “chán” cây lúa, anh nghe chính quyền địa phương “xúi” chuyển đổi qua trồng màu. Cũng từ đó mà kinh tế nhà anh và nhiều gia đình vượt lên được.

Ngồi bệt xuống ruộng dưa leo trĩu trái đang cho thu hoạch, anh Mận cho biết mấy vụ trước, bà con nơi đây trồng dưa lê cho thu nhập cao hơn nhiều. Năm nay do thời tiết không thuận nên phải trồng dưa leo. Dưa leo chỉ hơn 1 tháng là cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch hơn một tháng là kết thúc vụ.

Mỗi ngày anh thu trung bình từ 70 - 80kg dưa, bán với giá 8.000 đồng/kg. Kết thúc một vụ dưa gia đình anh lãi khoảng 15 triệu đồng. “Trồng màu cho nguồn thu gấp ít nhất 3 lần làm lúa. Từ khi chuyển qua trồng màu, tôi không phải đi làm thuê nữa”, anh Mận nói.

Đặc biệt, vào năm 2013, khi tổ hợp tác trồng màu Thịnh Phát (THT Thịnh Phát) được thành lập, bà con trồng màu ấp 2 lại càng làm ăn bài bản hơn. Ông Võ Tấn Phát, tổ trưởng cho biết, bà con liên kết với nhau cùng làm theo yêu cầu của thương lái nên hạn chế được việc bị ép giá.

Cứ hết một vụ 3 tháng, bà con lại ngồi với nhau đánh giá kết quả đạt được và bàn bạc xem vụ tới trồng cây gì phù hợp. Đặc biệt, 20 thành viên trong THT còn góp qũy được gần 70 triệu đồng. Khi thành viên nào khó khăn, cần hỗ trợ sẽ cho mượn để trang trải.

Cũng theo ông Phát, vào làm trong THT bà con không chỉ gần gũi nhau, có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển mà chính quyền cũng dễ giúp đỡ hơn. Năm trước, địa phương đề nghị hỗ trợ THT hẳn một cái máy cải tạo đất. Bên cạnh đó, về kỹ thuật cũng được tư vấn. Bà con trồng màu bây giờ đã biết cho đất nghỉ, biết uyển chuyển thực hiện xen canh với trồng lúa để đổi đất, lấy rơm rạ làm chất hữu cơ trồng màu.

Theo kế hoạch, xã Lương Tâm sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017. Thời gian qua, từ xã còn nhiều khó khăn, Lương Tâm đã vươn mình “lớn lên” mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng mạnh. Đặc biệt, về phát triển giao thông nông thôn, xã này đã không còn đường ngõ xóm lầy lội vào mùa mưa.

Năm nay, mặc dù mưa nắng thất thường, trồng màu khó khăn nhưng 7 công đất của gia đình tổ trưởng Phát cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng. “Trước đây khi làm lúa tôi phải có đất. Sau đó, cũng nhờ trúng mấy vụ màu, tôi chuộc được đất. Nuôi được con ăn học đại học. Năm 2015, còn xây được cái nhà 350 triệu đồng”, ông Phát phấn khởi nói.  

Những con đường lòng dân

Chúng tôi rời ấp 2 tìm về địa bàn ấp 9. Theo lời anh cán bộ phụ trách nông nghiệp đi cùng, những tuyến lộ nhựa, bê tông liền mạch, sự tươm tất về hạ tầng đều bắt đầu từ tấm lòng của người dân.

Gia đình ông Trần Công Nghiệp, có 3 công đất trồng bưởi nằm rải ngang mặt lộ. Vậy mà vào năm 2016, khi chính quyền vận động hiến đất làm đường, lão nông chẳng ngại cắt diện tích đất ngang 3,5m, dài đến 80m để con đường bê tông. “Hiến nhiêu đó, chứ có phải hiến thêm tôi cũng chịu. Làm đường để con em đến trường. Để bà con cùng đi lại thuận tiện hơn, tiếc gì?”, ông Nghiệp nói.

Vừa qua, ước mơ có con đường đi lại của bà con sống ven sông Ngan Dừa cũng thành hiện thực. Tuyến lộ Ba Bền, với phương châm nhà nước và dân cùng làm đã hoàn thành được khoảng 1km. Hàng chục hộ dân “xã biên giới” đã thoát cảnh xắn quần, lội đất xình ẹt ẹt trong mùa mưa này.

Trong niềm vui có con lộ ngang 2m phóng ngang nhà, ông Huỳnh Thanh Bền (ấp 9) cho biết, nhiều năm rồi phải chịu cảnh đi lại khó khăn, khi nghe mấy chú cán bộ nói có chủ trương cho kinh phí làm đường bà con mừng hết sức. Phần người dân thì hiến đất, bơm cát làm nền và san sửa mặt bằng.

“Gia đình nào ít đất thì bỏ vài triệu bơm cát, gia đình nào nhiều thì hơn chục triệu nhưng ai cũng bằng lòng. Chẳng ai chậm tiến độ cả, mặt bằng đường luôn chờ sẵn những khối bê tông tới đổ”, ông Bền hào hứng chia sẻ.

Không chỉ tuyến lộ Ba Bền mà sẽ còn nhiều tuyến lộ khác của Lương Tâm cũng thành hình, thành dáng bằng khả năng, sức lực của người dân. Về với vùng đất anh hùng, nghe người dân kể chuyện làm đường, làm kinh tế thôi chúng tôi đã phần nào thấy được tinh thần cách mạng năm nào như vẫn còn nguyên nơi đây.

Ông Phạm Minh Hậu, Chủ tịch UBND xã Lương Tâm cho biết: Dựa trên kết quả thực tế bà con trồng màu mang lại hiệu quả cao, khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chúng tôi khuyến khích bà con tích cực chuyển đổi. Hiện nay, trồng màu chính là thế mạnh của xã thay cho cây lúa. Chúng tôi đang tổ chức lại sản xuất, giúp người dân tham gia các THT để bà con cùng làm và có điều kiện hỗ trợ nhau phát triển. Bình quân thu nhập của người dân đã đạt 38 triệu đồng/người/năm trong khi năm 2013, mới chỉ đạt gần 18 triệu.

“Khi đã có của ăn của để thì đóng góp xây dựng NTM bà con cũng rất cởi mở. Đã có nhiều tuyến đường, bà con sát cánh cùng chúng tôi, góp công, góp của, hiến đất để xây dựng”, ông Hậu nói.

Tác giả bài viết: TRẦN HIẾU - MINH ĐẢM

Nguồn tin: nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập266
  • Hôm nay79,012
  • Tháng hiện tại784,125
  • Tổng lượt truy cập90,847,518
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây