Vắng bóng người mua
Mất mùa, mất cả giá
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chị Bùi Thị Sính, ở Nam Thượng, Kim Bôi, Hòa Bình - cho biết, gia đình chị đầu tư 1 ha bí xanh chi phí khoảng 50 triệu đồng, bao gồm tiền vật liệu làm giàn, giống, phân bón… nhưng năm nay năng suất kém, chỉ đạt bằng nửa năm ngoái. Nhiều vườn bí ở đây còn bị mất trắng. Giá bí đầu vụ được gần 10.000 đồng/kg, giữa vụ còn 4.000 đồng, giờ cuối vụ còn 2.000 đồng/kg, thậm chí 1.000đồng/kg. “Năm trước, mỗi ha thu được trên 25 tấn, với giá bán bình quân 5.000-7.000 đồng/kg, làm hai vụ, sau khi trừ chi phí cũng thu lãi trên 100 triệu/năm. Như sản lượng và giá năm nay thì chắc chắn lỗ”- Chị Sinh chua xót.
Qua tìm hiểu, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, giá bí càng giảm thê thảm. Nhưng có một điều khiến người viết băn khoăn là dù năm nào cũng bán bí, nhưng hỏi bất kỳ người dân nào là ai mua, chuyển đi đâu… thì không ai biết. Họ chỉ biết trồng, cứ đến vụ, thương lái đánh xe tải lớn, nhỏ đến tận ruộng mua. Giá cả đều do người mua quyết định, họ bảo giá cao thì được cao, thấp thì cũng biết vậy. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ dân trồng bí tại huyện Yên Thủy- nơi được coi là vựa bí của tỉnh Hòa Bình. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Thủy, diện tích trồng bí xanh vụ xuân năm 2014 của toàn huyện đạt 330 ha, chiếm gần 50% diện tích các loại rau trên địa bàn. Việc giá bí “rớt” như năm nay khiến nhiều hộ dân điêu đứng.
Bí xanh là sản phẩm nông sản nhỏ nhưng để giải quyết bài toán thị trường đầu ra bền vững lại là vấn đề lớn. Nếu không có giải pháp cụ thể, thì cũng giống như nhiều loại nông sản khác, bí xanh vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. |
Để bí xanh không “bí”
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, bí xanh là cây nông sản ngắn ngày, dễ trồng, dễ tiêu thụ vì vừa là loại rau thực phẩm, vừa dùng như một nguyên liệu để chế biến, sản xuất các loại bánh kẹo, đồ uống. Quan trọng hơn, bí xanh đầu tư ít, có giá trị kinh tế cao hơn so với cây lúa nên được nhiều địa phương, nhất là ở miền núi khuyến khích trồng. Theo thông tin từ nhiều nơi trên khắp cả nước, không chỉ bí xanh bị mất giá mà còn nhiều loại nông sản khác như vải thiều, thanh long, chôm chôm và nhiều trái cây đặc sản khác đều rớt giá, chất đống ngoài lề đường, bán rẻ nhưng ít người mua. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng thị trường đã bão hòa hay chất lượng không bảo đảm dẫn đến người tiêu dùng quay lưng!?
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khâu quy hoạch cây trồng không theo sát với thị trường tiêu thụ dẫn đến tình trạng nông dân sản xuất theo phong trào. Nếu nguồn cung ít, giá sẽ cao và ngược lại. Thêm vào đó, việc người nông dân đang chạy theo số lượng mà không nghĩ đến chất lượng, thương hiệu sản phẩm (sử dụng thuốc trừ sâu, kích thích vô tội vạ), vô hình trung người nông dân đánh mất thị trường và bị ép giá ngay trên đồng ruộng.
Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng chính là tư duy dài hạn đối với sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, cần có sự định hướng, nghiên cứu để sản phẩm nông nghiệp làm ra không chỉ gắn với tiêu dùng trực tiếp hoặc xuất khẩu mà phải gắn với làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm khác…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã