Trước đây chị Trần Thị Bích Phượng (37 tuổi, xã Chư Á, TP.Pleiku, Gia Lai) buôn bán rau củ quả ở chợ đầu mối. Năm 2013 chị trồng thử nghiệm 500m2 nấm bào ngư, mộc nhĩ cạnh nhà, rồi thấy hiệu quả nên tăng dần diện tích lên 5.000m2 ra vùng ven thành phố.
Nấm bào ngư khá dễ trồng, dễ bán ở trang trại của chị Phượng
Vừa hái nấm bán bào ngư, mộc nhĩ cho khách hàng, chị Phượng vừa chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện “ăn, ngủ cùng nấm”. “Lúc mới làm cũng lo lắm, cứ xuống giống được một thời gian là nấm chết, vì không có kinh nghiệm trồng nấm nên suốt ngày ở ngoài vườn mà vẫn không phát hiện ra bệnh. Sau đó tôi lên mạng Internet, vào các diễn đàn trao đổi trồng nấm học hỏi, rồi đi thực tế ở các trại nấm khác, khoảng một năm sau việc trồng nấm bào ngư mới bắt đầu ổn. Lúc đó tôi mới mạnh dạn tập trung vốn liếng, mở rộng diện tích".
Mỗi ngày chị Phượng thu tạ nấm các loại
Tất cả mọi việc, từ khâu xuống giống, chăm sóc, thu hái nấm bào ngư và bán hàng đều do một tay chị Phượng sắp xếp chu toàn. Mãi đến khi mở rộng diện tích, lượng nấm quá lớn chị mới bắt đầu thuê nhân công làm theo thời vụ. Từ đôi bàn tay trắng, sau 6 năm chị đã sở hữu hơn 20.000 bịch nấm bào ngư và thu về hơn 500 triệu đồng/năm.
Trang trại của chị Phượng là mô hình khép kín từ khâu đóng bịch, chăm sóc, thu hái đến sấy khô...
Từ một người không hiểu gì về nấm, đến nay mọi kinh nghiệm, công đoạn trồng nấm chị đã nắm chắc trong tay. “Trồng nấm sẽ bắt đầu từ khâu chọn mùn cưa, phải là mùn cưa nguyên chất, không được trộn mùn cưa cây này với mùn cưa cây khác. Nhiệt độ trong từng bịch nấm cũng phải theo dõi sát, không được quá nóng hoặc quá lạnh. Dinh dưỡng thì dùng vôi và cám bắp. Mỗi loại nấm sẽ được trồng theo từng thời vụ khác nhau để tránh bệnh tật và phát triển tốt hơn”, chị Phượng chia sẻ kinh nghiệm.
Nấm bào ngư của chị Phượng trồng được quanh năm, giá cả lại rất ổn định
Cũng theo chị Phượng, khoảng thời gian từ tháng 7 đến gần tết thích hợp để trồng nấm mèo (mộc nhĩ) vì nhiệt độ thấp hơn; nấm bào ngư thì trồng được quanh năm vì dễ trồng và dễ bán. Nếu trồng được nấm linh chi thì hiệu quả kinh tế rất cao, từ 400.000 đồng – 500.000 đồng/kg nhưng đây là loại nấm khó trồng, nhiều bệnh…
Hiện trang trại của chị Phượng có khá nhiều loại nấm như nấm mèo, linh chi, bào ngư, nấm rơm… với sản lượng khoảng 1 tạ/ngày, giá bán từ 15.000 đồng- 30.000 đồng/kg tùy theo thời tiết, toàn bộ cung cấp ở chợ đầu mối theo giá sỉ.
Chị Phượng sản xuất phôi nấm để trồng và bán cho trại nấm khác
Ngoài ra chị Phượng còn sản xuất phôi nấm để bán cho các trang trại trong tỉnh, với giá 3.000 đồng/bịch và đây cũng là một nguồn thu đáng kể của chị.
Tác giả bài viết: Trần Hiền
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã