Ảnh: Ong được người dân nuôi ở các vườn đồi nên chất lượng mật tốt
Nếu như những năm trước đây, đời sống hội viên hội CCB xã Sơn Lâm chủ yếu dựa vào rừng, hoặc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thì nay nhiều hội viên đã phát triển mạnh nghề nuôi ong lấy mật. Hướng đi này, vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn, vừa giúp nhiều hội viên có thu nhập ổn định từ việc khai thác mật ong.
CCB Phan Đình Giáp, thôn Lâm Đồng, xã Sơn Lâm là người có 28 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi ong lấy mật. Mới đầu ông chỉ nuôi vài đàn ong, nhưng mỗi vụ cũng thu hàng chục lít mật. Thấy vậy, ông đã quyết định tiếp tục đầu tư nhân rộng. Nhờ có kinh nghiệm và chăm chỉ nên đàn ong của gia đình ông phát triển nhanh, 10 năm trở lại đây ông luôn duy trì từ 30 đến 50 đàn ong. Ông cho biết: Nuôi ong ở vùng đất Sơn Lâm có nhiều thuận lợi, nhất là đến mùa quay mật không phải đầu tư gì, ong tự hút mật của các loại hoa trong vườn, trong rừng vì thế chất lượng mật tốt, người dùng ưa chuộng. Không chỉ tiêu thụ tại chỗ mà mật của gia đình ông thường được gửi đi khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc.
Nhờ biết tranh thủ các vụ hoa gối nhau như hoa vải, nhãn, xoài vào vụ Xuân; hoa bạch đàn, hoa keo vào mùa Hè; hoa ngô vào vụ Đông để di chuyển đàn ong tới đó khai thác mật, nên năm nào gia đình ông Giáp cũng thu được sản lượng cao. Bình quân mỗi năm đạt từ 5,6 tạ tương đương với 672 lít mật, cộng với tiền bán ong giống, mỗi năm ông thu về gần 200 triệu đồng.
Ảnh: Mật ong được gia đình ông Giáp đóng từng chai lớn
để gửi đi tiêu thụ các tỉnh xa
Cùng với ông Giáp, CCB Trần Văn Toàn ở thôn Lâm Thọ với 10 năm kinh nghiệm trong nghề cũng đã tự trang bị cho mình vốn kiến thức về nghề nuôi ong qua đó khai thác hiệu quả nguồn lợi từ ong. Ban đầu chỉ nuôi vài đàn để phục vụ nhu cầu của gia đình, mấy năm nay do thị trường tiêu thụ mật ong lớn nên ông Toàn đã đầu tư mở rộng lên 20 đàn.
Ảnh: CCB Trần Văn Toàn thường xuyên kiểm tra, chăm sóc
để đàn ong phát triển tốt
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi, thì nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ là bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác, nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo cẩn thận. Người nuôi phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của ong, có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, thường xuyên vệ sinh thùng đảm bảo khô ráo và sạch sẽ để phòng bệnh. Có như vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất, chất lượng mật cao. Nhờ nắm bắt tốt kỹ thuật nuôi từ các lớp tập huấn do Hội CCB phối hợp tổ chức, ngày càng nhiều CCB và người dân trong xã Sơn Lâm tham gia nuôi ong lấy mật.
Hiện tại, toàn xã Sơn Lâm có 350 hộ nuôi ong, hộ ít nhất cũng nuôi từ 4- 6 đàn, hộ nhiều lên tới 75 đàn. Trong đó, CCB có 8 mô hình nuôi từ 10 đến 60 đàn ong. Ông Nguyễn Hữu Tạo - Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Lâm cho biết thêm: " Với nguồn lợi lớn từ nuôi ong lấy mật, hội CCB xã Sơn Lâm đang tiếp tục vận động hội viên mở rộng mô hình, đồng thời phối hợp xây dựng các mô hình quản lý, nhân giống đàn ong nội địa, để khuyến cáo và nhân ra diện rộng, kết hợp hỗ trợ các cơ sở, hộ dân nhân giống đàn ong, để chủ động tạo nguồn, đảm bảo cung ứng cho sản xuất, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm mật ong địa phương "./.
Tác giả bài viết: Hà Linh
Nguồn tin: huongson.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã