Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ông Nguyễn Đình Hòa - Đội 2, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động cho biết: Gia đình có tổng cộng là 7 sào ruộng, mỗi năm, cấy lúa chia làm 2 vụ và trong cả hai vụ đều cố gắng trồng, chăm sóc cây mà không sử dụng đến các loại phân bón, thuốc trừ sâu độc hại. Ban đầu khi đưa ra quyết định là không dùng tới thuốc bảo vệ thực vật gặp phải không ít khó khăn, trở ngại bởi năng suất, sản lượng lúa sụt giảm so với trước kia. Tuy vậy, vì mục đích sản xuất lúa gạo sạch, an toàn đưa đến tay người tiêu dùng và phục vụ cho chính bữa cơm trong gia đình, nên chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện.
Quyết tâm nói trên như càng được nhân lên, bởi không chỉ 1 hay 2 hộ mà gần như trong thôn nói không với thuốc trừ sâu, trong làng có tới 80 – 90 % nhân dân cùng hưởng ứng, ủng hộ và tham gia nhiệt tình vào phong trào này. Cứ mỗi mùa vụ bắt đầu, người ta lại thấy các cán bộ của Hợp tác xã Nông nghiệp Đỗ Động cùng với bà con xã viên sôi nổi họp bàn, sẻ chia kinh nghiệm cho nhau để cây lúa lớn và sinh trưởng tốt.
Điển hình như phương pháp mà bà con nông dân Đỗ Động hiện tại vẫn đang làm như là cấy thưa bằng mạ non; cấy xong nhặt cỏ bờ và dặm tỉa; tổ chức bón phân cân đối, rắc vôi bột khử chua, điều tiết nước phù hợp từng giai đoạn phát triển của cây lúa; tiến hành thâm canh cải tiến SRI. Nhờ vậy, cây lúa có thể phát huy tối đa khả năng về sinh trưởng, phát triển, chống chịu sâu bệnh tốt và bảo đảm năng suất, chất lượng. Qua thực tế, triển khai sản xuất lúa theo phương pháp này đã tạo ra năng suất lúa tương đối tốt và ổn định trung bình 1,5 tạ/ha cao là trên 2 tạ/ha. Ngoài ra, do không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu, công lao động nên chi phí cho sản xuất giảm được khoảng 30%, sản phẩm xuất xưởng ra không chỉ là gạo sạch mà còn góp phần quan trọng để bảo vệ môi trường đất, nước, không khí.
Bà Nguyễn Thị Lan – Thôn Động Giã, xã Đỗ Động cho biết: Trước đây, nông dân địa phương thường dùng thuốc sâu bừa bãi theo thói quen. Cụ thể gieo mạ xong, phun phòng sâu đục thân, cấy bén rễ xong, phun phòng sâu cuốn lá, bọ xít, lúa đứng cái, phun phòng khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, rầy, lúa vào hạt, phun kích thích cho mã hạt đẹp... Tính ra mỗi vụ trung bình 5 – 6 lần đầu độc đất đai, đầu độc nước, đầu độc không khí. Tuy vậy, từ khi nhận thức người dân được nâng cao, cùng với đó là từ năm 2009, Hợp tác xã Nông nghiệp Đỗ Động phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Oai thường xuyên tổ chức các lớp về chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI); mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật; các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên đồng ruộng… người dân đã quyết tâm nói không với những loại thuốc độc hại này.
Giờ đây, đi khắp các xứ đồng của Đỗ Động không hề thấy hình ảnh của những vỏ bao bì thuốc trừ sâu, hoặc chai lọ hóa chất nơi bờ ruộng hay dưới kênh mương như những vùng nông thôn khác. Điều này cho thấy, việc áp dụng mô hình nông dân sản xuất nông nghiệp nói không với thuốc trừ sâu tại xã Đỗ Động đã thành công.
Trong bối cảnh người tiêu dùng còn nhiều nỗi băn khoăn, lo ngại về câu chuyện an toàn thực phẩm thì Đỗ Động đã góp một phần tiếng nói để người tiêu dùng trong nước thêm tin tưởng vào những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của Việt Nam trong hiện tại, cũng như tương lai.
Bài và ảnh: Huy An/ TNMT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã