Tuy nhiên, nhờ kịp thời nắm tình hình, đưa ra các giải pháp chỉ đạo nhanh nhạy để khôi phục sản xuất, nên vụ HT, mùa 2018 đã cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Vụ HT, mùa 2018 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các tỉnh vẫn đạt được kết quả, mục tiêu đề ra |
Ngày 27/9, tại tỉnh Quảng Ngãi, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ HT, mùa năm 2018, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân (ĐX) 2018 – 2019 ở các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên. Theo Cục trồng trọt, diện tích lúa vụ toàn vùng vụ HT 2017 giảm gần 5.000 ha. Đặc biệt, do lượng mưa các tháng cuối năm thấp hơn dự báo trung bình nhiều năm và khả năng bị khô hạn vào cuối vụ nên bà con đã nhanh chóng chuyển đổi sang cây trồng cạn có nhu cầu nước tưới ít hơn, khiến cho diện tích lúa trong vùng giảm 16.910 ha.
Bên cạnh việc giảm diện tích lúa thì điều kiện khí hậu, thời tiết bất thường, dịch hại, sâu bệnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của các địa phương trong vùng. Trước những khó khăn này, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN-PTNT và các tỉnh, TP đã kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo sản xuất, đưa ra các giải pháp sát thực, hiệu quả góp phần chủ động trong khắc phục những bất lợi, đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Nhờ đó, diện tích lúa vụ HT, mùa 2018 sinh trưởng tốt, cho năng suất cao (tăng 0,80 tạ/ha trong vụ HT và tăng 0,74 tạ/ha trong vụ mùa). Với cây màu vụ HT phát triển tốt, năng suất bằng và cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số vùng do ảnh hưởng mưa nên những chân đất thấp bị ngập úng và ẩm độ cao đã ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng một số cây trồng cạn như cây đậu, lạc, rau.
Đối với cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả, nhờ thời tiết thuận lợi, nhu cầu nước tưới đảm bảo vào thời điểm ra hoa của các loại cây như cà phê, hồ tiêu nên tỷ lệ đậu quả cao. Cùng với thị trường tiêu thụ và giá bán các cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực như thanh long, bơ, sầu riêng, hạt điều, cà phê... ở mức cao đã góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, giá cao su, hồ tiêu thấp nhất trong những năm gần đây, cũng ảnh hưởng khả năng đầu tư chăm sóc của các hộ canh tác các loại cây này.
Vụ HT, mùa 2018 cũng đánh dấu bước chuyển đổi cây trồng hiệu quả trong các mô hình trên đất lúa. Có thể kể đến như mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa qua trồng tỏi, ớt tại tỉnh Khánh Hòa cho doanh thu và lợi nhuận cao hơn hẳn trên cùng diện tích. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn gặp khó khăn do thiếu quy hoạch tập trung, đầu tư hệ thống thủy lợi tưới tiêu nước và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi chưa thực sự mạnh để thúc đẩy chuyển đổi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quôc Doanh đánh giá cao những cố gắng của các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên. Mặc dù tiềm lực hạn chế, lại bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường nhưng các tỉnh, TP đã chủ động, linh hoạt trong điều hành sản xuất để đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao các địa phương đã nỗ lực trong vụ HT, Mùa 2018 |
“Để triển khai vụ ĐX tới và những vụ tiếp theo, tôi đề nghị các địa phương tìm hiểu kỹ bối cảnh, thông tin nguồn nước, dự báo khí tượng cùng với kinh nghiệm trong 2 năm qua để triển khai sản xuất đạt hiệu quả. Về thời vụ hết sức linh động, tránh gieo đi gieo lại đặc biệt là vùng sản xuất lúa ở Bình Định và những vùng trũng, tiêu nước chậm. Về cơ cấu giống, chọn giống chất lượng, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh. Bên cạnh đó, phải giảm dần lượng giống sạ”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Khung thời vụ khuyến cáo cho vụ ĐX 2018 - 2019 Đối với các tỉnh DHNTB, những diện tích chủ động nước: Bố trí xuống giống đại trà tập trung từ ngày 10/12 - 31/12/2018 (muộn nhất trước ngày 10/01/2019), thu hoạch trước 30/4/2019. Riêng chân 3 vụ lúa: Bình Định gieo sạ từ ngày 25/11 – 05/12/2018; Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận gieo sạ từ 15/11 và kết thúc trong tháng 12/2018. Những diện tích không chủ động nguồn nước, cần gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ (trước 10/12). Tây Nguyên với vùng chủ động nguồn nước tưới, tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ 10/12/2018 – 10/01/2019. Những vùng cân đối nguồn nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ (mùa khô), các địa phương phải tính toán cân đối diện tích xuống giống phù hợp lượng nước trong hồ đập và khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà (trước 10/12). |
Cơ cấu giống lúa Trong vụ ĐX tới, DHNTB và Tây Nguyên cần đẩy mạnh sử dụng cấp giống lúa xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Cụ thể, các tỉnh DHNTB sử dụng các giống chủ lực như HT1, OM4900, Thiên ưu 8, KD đột biến, DV108, TBR36, ML48, ML49, ML202, ML214, VD20, TH3-3, Nhị ưu 838; Giống bổ sung gồm BC15, DT45, OM6976, KD28, PC6, ML49, OM6162, OM7347. Tây Nguyên sử dụng giống chủ lực như HT1, VND95-20, ML48, OM4900, OM6162, OM5451, IR64, TH3-3, Nhị ưu 838,...; giống bổ sung như ML49, ĐV108, DT45, OM 3536, OM 6976. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã