Cam Kỳ Yến tạo được đầu ra vững chắc cho sản phẩm |
Xuất thân từ xứ Nghệ - vùng đất trồng cam lâu đời, hành trình đến với cây cam của chị Nguyễn Thị Lê Na (sinh năm 1986) bắt nguồn từ mục đích tìm kiếm đầu ra cho nông sản quê nhà.
Khi thị trường thay đổi, gia đình chị Lê Na cũng như hầu hết những nông dân trồng cam khác gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình phải bỏ đi hàng tấn cam bởi không có nơi tiêu thụ. Chị quyết định thành lập Công ty Cổ phần trang trại nông sản Phủ Quỳ (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) với mong muốn trở thành đơn vị mở rộng thị trường, nâng tầm kinh doanh cho sản phẩm cam Vinh. Trong quá trình vừa làm việc vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm, Lê Na nhận ra cách làm truyền thống lâu nay không hiệu quả, lại không bền vững bởi người nông dân luôn ở thế bị động, trồng cam chờ thương lái đến mua.
Từ thực tế đó, Lê Na nhận thấy mình cần phải là người chủ động nắm bắt thị trường, có như vậy mới giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm; thực hiện theo chuỗi giá trị và chuỗi liên kết với người nông dân, nhà đại lý, người tiêu dùng. Trong chuỗi liên kết đó, vai trò của Lê Na là nhân tố trung gian kết nối nhà nông với người tiêu dùng, làm người quản lý và hướng dẫn mọi người trong cách làm mới.
Chị bắt đầu bằng việc phát triển thương hiệu, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm qua truyền thông mạng xã hội, chủ động nắm bắt đối tượng hợp tác để có nguồn tiêu thụ và dự kiến số lượng sản phẩm cần cung ứng, sau đó tập trung vào sản xuất. Xác định "chất lượng hơn số lượng", Lê Na trồng cam theo chuẩn VietGAP để kiểm soát tốt hơn sản phẩm cung ứng ra thị trường. Công ty của chị là đơn vị đầu tiên của tỉnh Nghệ An áp dụng canh tác theo VietGAP. Trải qua không ít khó khăn khi thay đổi cách làm truyền thống theo hướng hoàn toàn mới, Lê Na thành công tạo ra thương hiệu Cam Kỳ Yến xứ Nghệ được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ. Đến nay, trang trại cam Kỳ Yến có tổng diện tích trồng theo quy trình VietGAP 10ha, hợp tác với 4 hộ nông dân, thu hoạch khoảng 100 tấn cam/năm, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, công ty đang thực hiện thí điểm 5ha cam sinh thái, thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất trong canh tác - bước tiến mới trong kinh doanh nông nghiệp.
Thời gian tới, Lê Na tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh liên kết với người nông dân, trồng cam kết hợp sản xuất các sản phẩm từ cam như mứt vỏ cam, tinh dầu cam...; mở rộng mô hình trồng cam sinh thái, từ đó khởi xướng dự án du lịch sinh thái, bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. |
Ngọc Mai/ Báo Công thương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã