Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; thủy sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,97 tỷ USD, tăng 9,2%.
Trong tháng 12, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 426.000 tấn với giá trị đạt 199 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo năm 2017 ước đạt 5,89 triệu tấn với 2,66 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đạt 450,9 USD/tấn, giảm 0,37% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,5% thị phần. Rau quả, cao su, chè, điều là những mặt hàng có sự tăng trưởng khá trong năm 2017.
Giá trị xuất khẩu hàng rau quả năm nay ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam.
Năm 2017, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su đạt 1,39 triệu tấn với 2,26 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 35,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đạt 1.654,7 USD/tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam.
Mặt hàng điều đã ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt nhờ tăng cả về sản lượng và giá trị. Khối lượng xuất khẩu hạt điều ước đạt 353.000 tấn với 3,52 tỷ USD, tăng 1,9% về khối lượng và tăng 23,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Về xuất khẩu chè, khối lượng ước đạt 140.000 tấn với 229 triệu USD, tăng 7,2% về khối lượng và tăng 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 3,95 triệu tấn với 1,04 tỷ USD, tăng 6,9% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị.
Tuy được giá xuất khẩu, nhưng do giảm mạnh về khối lượng nên giá trị cà phê giảm nhẹ so với năm 2016. Khối lượng xuất khẩu cà phê năm 2017 ước đạt 1,42 triệu tấn với 3,21 tỷ USD, giảm 20,2% về khối lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Số liệu nêu trên cho thấy, nước ta có lượng nông sản hàng hóa dồi dào, sức sản xuất rất lớn nhưng khâu hợp tác sản xuất và thương mại để đảm bảo chuỗi sản xuất còn rất nhiều khó khăn.
Còn rất nhiều việc ngành nông nghiệp phải làm và cố gắng tăng trưởng trong điều kiện bền vững. Tức là thực hiện các giải pháp đồng bộ của tái cơ cấu, chú trọng giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết chuỗi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian tới giá nông sản sẽ tương đối ổn định, do đó Việt Nam nên tập trung nâng cao chất lượng, chế biến theo chiều sâu, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng là rau quả…
Làm thế nào để ngành nông nghiệp cải thiện được đời sống của nông dân - những chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất, có như vậy mới tạo được động lực cho nông dân, cũng như sự đồng bộ trong việc gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, cân bằng giữa số lượng xuất khẩu và đời sống nông dân.