Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2015 với chủ đề “Doanh nhân cùng nông dân hội nhập” (Ảnh: BT) |
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn tại Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2015 với chủ đề “Doanh nhân cùng Nông dân hội nhập”. Diễn đàn do Báo Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp cùng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn tổ chức chiều 8/10, tại Hà Nội. Diễn đàn nhằm hướng tới chào mừng ngày doanh nhân Việt Nam 13/10.Cần gắn chặt mối quan hệ nông dân - doanh nhân
Theo TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp là quan hệ “máu thịt”, bởi phần lớn số lượng doanh nhân hiện nay đều xuất thân từ nông dân. Đồng thời người lao động làm cho các doanh nghiệp và khách hàng lớn nhất là nông dân.
Hiện nay, với việc ký kết Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra vấn đề cần tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, nền nông nghiệp của chúng ta còn manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, quy mô sản xuất hộ nông dân rất khó cạnh tranh với các trang trại lớn của các nước sản xuất phát triển. Để khắc phục hạn chế, cùng hội nhập quốc tế, nông dân cần liên kết với doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất. Nếu xác định nông dân là chủ thể của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm trong chuỗi liên kết, cung cấp sản phẩm trên thế giới. Thêm vào đó, thông qua việc mở cơ sở sản xuất, chỉ có doanh nghiệp mới mang lại việc làm cho hàng chục triệu lao động ở nông thôn, không những góp phần giải quyết việc làm mà còn góp phần đảm bảo an sinh, xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, sản xuất ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn với khoảng 10 triệu hộ nông dân chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ dưới 0,5ha và 0,2ha. Riêng với ngành chăn nuôi, được đánh giá gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình hội nhập, rất cần đến vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân tham gia để tham gia hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, các doanh nghiệp thể hiện vai trò trong các vấn đề về tổ chức lại sản xuất, đồng thời đóng vai trò dẫn dắt mối liên kết nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp.
Chú trọng đầu tư vào ngành nông nghiệp khi hội nhập quốc tế
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thời gian qua và gần đây nhất là TPP đã cho phép nước ta có mối quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng với ngành nông sản trên phạm vi rộng trên thế giới. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Trong đó, tính đến cuối năm 2014, trong ngành nông nghiệp có 3.500 doanh nghiệp đầu tư, chỉ chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp quốc gia. Các doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp còn nghèo về vốn với 55 - 60% doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng. Riêng về doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành nông nghiệp, chỉ có 512 doanh nghiệp, chiếm 3,12% về số lượng và 1,4% về giá trị của các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.
Bởi vậy, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, để hội nhập quốc tế, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, rất cần đến việc tạo điều kiện về cơ chế chính sách, đất đai, thủ tục hành chính để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp còn rất nhiều dư địa lớn để doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, theo TS. Vũ Tiến Lộc, quá trình hội nhập mang lại nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp nước nhà. Thực tế, các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, Việt Nam cần tận dụng lợi thế ngành nông nghiệp nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm cho những nước không có sức cạnh tranh về ngành nông nghiệp. Trong tương lai, nếu biết tận dụng cơ hội, Việt Nam có thể trở thành vành đai cung cấp lương thực cho một số nước trên thế giới.
Đồng thời, vấn đề khan hiếm lương thực, thực phẩm là điều dễ dàng xảy ra, bởi vậy, đầu tư cho vấn đề lương thực, thực phẩm là vấn đề mang tính dài hạn. Mặt khác, để phát huy lợi thế, các doanh nghiệp có thể tận dụng những tiềm năng tự nhiên trong nước với các vùng khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, nền nông nghiệp với sản phẩm phong phú để phát triển sản xuất./.