Khi triển khai thực hiện, đa số các địa phương chỉ lựa chọn một mô hình tiêu biểu, sau đó mới nhân rộng. Thế nhưng Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) lần đầu tiên đã cùng một lúc triển khai 3 mô hình 90ha lúa trên 3 cánh đồng lớn.
Hội thảo đầu bờ trên CĐL tại xã Nghĩa Thọ |
Dẫn chúng tôi đi tham gia hội thảo đầu bờ trên các CĐL, ông Bùi Quốc Tuấn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Nghĩa Đàn vừa lau vội mồ hôi vừa phấn khởi: "Mệt lắm, nhưng mà vui anh ạ. Mệt, vì trạm chỉ có 6 cán bộ kỹ thuật, kể cả trạm trưởng (3 nam, 3 nữ), nhưng đều phải xuống đồng như những nông dân suốt ngày chân lấm tay bùn dầm mưa dãi nắng. Khó khăn nhất là khi xuống địa bàn kiểm tra, thống kê chọn lựa đồng. Có xã vì chưa thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa nên cánh đồng thì rộng, nhưng lại manh mún, nhiều hộ, nhiều thửa, bờ thấp bờ cao lổn ngổn".
Theo ông Tuấn, với nông dân thì từ trước tới nay, họ có thể tự do lựa chọn giống theo kinh nghiệm của mỗi nhà. Công tác xuống đồng làm đất, gieo cấy, tuy đã có lịch nông vụ, nhưng do công việc nhà nông bộn bề, có hộ thì đang tranh thủ vào rừng hái măng, có hộ vì tấm ruộng nhỏ nên lại tập trung đi thợ xây phụ hồ… Vì vậy việc cấy cày, chăm sóc lúa là tùy cơ ứng biến của từng nhà.
Như vậy trước lúc bắt tay vào thực hiện mô hình, công việc chọn lựa được đồng rồi, cán bộ của trạm lại đến với dân để tổ chức mở các lớp tập huấn, tuyên truyền cho dân hiểu được mục đích xây dựng CĐL là phải thực hiện đồng bộ để đem đến hiệu quả thiết thực cho cả cộng đồng dân cư.
Sau tập huấn tuyên truyền, các cán bộ của trạm đều phải xắn quần, lội ruộng để hướng dẫn cho dân thực hiện đúng kỹ thuật từng công đoạn như làm đất, bón phân, bắc mạ, gieo cấy và chăm sóc. Mỗi mô hình có 2 cán bộ phụ trách.
Đến cánh đồng làng Men, làng Cầu của xã Nghĩa Thọ, ông Tuấn đưa tay vẽ một cung tròn trên thảm lúa vàng mênh mông rồi nở nụ cười tươi báo cáo với nông dân cùng về hội thảo: “Cánh đồng lớn này có 30ha lúa của 240 hộ nông dân. Trước đây bà con dùng rất nhiều loại giống, nhưng nay chúng tôi chỉ đưa vào một loại giống lúa CNR 6206. Quá trình thực hiện mô hình cùng với nông dân, tuy gặp phải thời tiết bất thuận, nhưng vụ thu mùa này năng suất đã đạt đến hơn 63 tạ/ha, trong khi đó thời kỳ này năm ngoái chỉ đạt được 50 tạ/ha, và vụ này những cánh đồng ngoài mô hình, bà con chỉ thu được 54 tạ/ha”.
Tại xã Nghĩa Thịnh có 4 xóm 301 hộ dân tham gia mô hình CĐL 30,3ha, SX giống lúa Thái Xuyên 111. Năng suất mô hình đạt 62 tạ/ha, trong khi đó năng suất dân đang SX đại trà chỉ đạt 55 tạ/ha.
Ở xã Nghĩa Hội có 235 hộ dân thuộc 5 xóm tham gia mô hình trên CĐL 30,4ha, cơ cấu một loại giống Nghi hương 2308. Qua kiểm đếm giám định, năng xuất mô hình đạt 61 tạ/ha, Trong khi đó diện tích lúa dân đang SX đại trà chỉ đạt 54 tạ/ha.
Kỹ sư Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ phụ trách mô hình diễn giải: Thành công của mô hình này đã khẳng định tính hiệu quả của việc đưa tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào đồng ruộng. Ngay từ lúc xuống đồng gieo cấy, CĐL và cánh đồng nông dân đang SX đại trà (theo phương thức truyền thống) đều cùng thực hiện một ngày. Quá trình thực hiện, tính chung cho cả 3 mô hình thì chi phí SX cho 1ha mô hình hết gần 25 triệu đồng, trong khi đó chi phí cho 1ha mà dân đang SX đại trà hết 26 triệu 450 nghìn đồng. Qua thu hoạch giám định đã cho kết quả: Năng suất lúa mô hình đạt cao hơn gần 10 tạ/ha so với năng suất mà dân đang SX đại trà.
Lão nông Nguyễn Văn Thủy ở làng Cầu, xã Nghĩa Thọ phát biểu: "Chúng tôi thực sự vui mừng phấn khởi. Bởi nhờ có mô hình CĐL nên chúng tôi đã thấy được hiệu ích của việc đem tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào đồng ruộng. Trước đây cũng trên cánh đồng này, nhiều hộ chỉ làm được chăng hay chớ. Nguồn giống thì tùy thích lựa chọn, bón phân, phun thuốc BVTV cũng mỗi người làm một cách, vì vậy thu hoạch chẳng được là bao, có nhà đến mùa chỉ đi cắt rơm rạ về cho trâu, bò ăn, chứ lúa thì chỉ toàn là hạt lép.
Lão nông Nguyễn Văn Thủy phát biểu cảm ơn Trạm Khuyến nông Nghĩa Đàn |
Nay nhờ có cán bộ khuyến nông về hướng dẫn, phân tích và cùng làm với nông dân, vụ này tuy tuy thời tiết bất thuận nhưng quả thật chúng tôi thấy năng suất lúa cao nhất so với từ trước tới nay. Vui hơn nữa là mỗi lúc xuống đồng là cả mấy làng, mấy xóm cùng đi như trẩy hội. Qua đây những kinh nghiệm hay trong SX, chăn nuôi đều được sẻ chia học tập. Những câu chuyện buồn vui từ làng trên, xóm dưới đều được dân chúng đưa ra góp ý, như vậy là rất vui và đoàn kết lắm".
Ông Phan Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn nhấn mạnh tại hội thảo: “Trạm Khuyến nông đã làm tốt đề án SX của huyện. Đây là lần đầu tiên trạm triển khai cùng một lúc 3 mô hình CĐL 90ha lúa ở 3 xã, với hàng trăm hộ dân cùng tham gia. Thực hiện 3 cùng: Cùng giống, cùng thời vụ và cùng biện pháp thâm canh, thu hoạch. Vì vậy chi phí SX thấp, sử dụng phân bón, thuốc BVTV ít, công tác vệ sinh đồng ruộng môi trường đảm bảo, nhưng năng suất lại đạt cao, tạo nên được các vùng hàng hóa tập trung...".
"Từ mô hình này, nông dân đã phá bỏ được tư duy tập quán SX lạc hậu để đưa tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào đồng ruộng. Tới đây huyện sẽ chỉ đạo nhân rộng mô hình CĐL tới tất cả các xã để toàn dân đoàn kết thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, ông Bình ghi nhận. |
Tác giả bài viết: HỒ QUANG
Nguồn tin: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã