Cây thanh long ở Tiền Giang cho giá trị kinh tế cao.
Theo ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, tuy mới đưa về trồng trong dăm năm trở lại đây nhưng diện tích thanh long đã phát triển lên gần 600 ha, chủ yếu là thanh long ruột đỏ; trong đó, có khoảng 350 ha đang cho thu hoạch với năng suất đạt bình quân 22 tấn/ha và sản lượng mỗi năm trên 7.000 tấn quả. Các xã có diện tích thanh long chuyên canh lớn nhất gồm: Tân Lập I có 172 ha, Thạnh Tân gần 120 ha, Thạnh Mỹ 60 ha, Tân Hòa Đông 40 ha…
Ông Nguyễn Văn Rỡ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết, Thạnh Tân là xã nằm sâu trong vùng Đồng Tháp Mười trước đây đất đai nhiễm phèn, hoang hóa, đa phần nhân dân mới vào lập nghiệp đều gặp nhiều khó khăn. Thực hiện mục tiêu phát huy tiềm năng miền đất mới đưa vào sản xuất, chăn nuôi, Thạnh Tân đã khuyến khích bà con lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả; trong đó thanh long đang trở thành cây trồng chủ lực của địa phương nhờ giá trị kinh tế cao và đầu ra thuận lợi. Những nông dân đi tiên phong đều đã dựng nên cơ nghiệp bền vững từ cây thanh long.
Đơn cử như ông Phan Văn Khanh, cư ngụ tại ấp 3, xã Thạnh Tân. Gia đình ông trồng được 1,5 ha thanh long ruột đỏ đã 2 năm tuổi đang cho thu hoạch ổn định với năng suất khoảng 30 tấn quả/ ha. Ông cho biết, từ đầu năm đến nay, gia đình ông đã thu hoạch được trên 30 tấn quả, bán giá bình quân trên 30.000 đồng/kg, thu gần 1 tỷ đồng. Nhờ cây thanh long mà gia đình ông vài năm nay đã có thu nhập cao, trở thành triệu phú vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang).
Tương tự, ông Võ Văn Dũng, cư ngụ tại xã Thạnh Hòa (Tân Phước) trồng 1,5 ha thanh long ruột đỏ. Năm qua, gia đình ông thu hoạch được 40 tấn quả. Giá bán rất cao, 46.000 đồng/kg, thu trên 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí ông Võ Văn Dũng thu lãi ròng trên 1,2 tỷ đồng. Ông Dũng phấn khởi cho biết, cây thanh long đang thực sự mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân Đồng Tháp Mười hôm nay.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đầu tư trồng 100 ha thanh long ruột đỏ theo tiêu chí Global GAP tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước cho biết, cây thanh long thích hợp với vùng đất Đồng Tháp Mười, năng suất cao và là nguồn nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Ông cũng khuyến cáo nông dân nên trồng tập trung thành vùng chuyên canh, áp dụng đồng bộ các kỹ thuật khoa học trong thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao cũng như chất lượng trái thanh long xuất khẩu.
Ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước cho biết, cây thanh long đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cũng như tính thích nghi điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu trên huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang).
Theo ông Huỳnh Văn Bườn, sắp tới, huyện tăng cường khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP (Global GAP, Viet GAP) kết hợp với xây dựng chuỗi giá trị thông qua hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã… nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây thanh long Tân Phước để làm giàu cho nông dân, đổi mới nông nghiệp – nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển một cách mạnh mẽ.
Tác giả bài viết: Minh Trí
Nguồn tin: daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã