Ở huyện Nghĩa Đàn, nhiều người biết đến anh Nguyễn Tiến Đông ở xóm Phú Hồng, xã Nghĩa Hồng với vườn ổi sạch cho thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.
Là cán bộ kỹ thuật của Nông trường Cờ đỏ, nhận thấy thị trường hiện nay có nhu cầu lớn về cây ăn quả nên anh Nguyễn Tiến Đông ở xóm Phú Hồng, xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn) mạnh dạn chuyển đổi đất trồng mía sang trồng ổi Trân Châu.
Quy trình sản xuất thuốc trừ sâu thảo dược phun cho cây ổi của anh Đông là tỏi, ớt, gừng xay nhỏ rồi ngâm với rượu trắng ủ trong vòng 10 -15 ngày. Ảnh: Minh Thái |
Vườn ổi của anh có quy trình chăm sóc khá chặt chẽ, tỷ mỉ từ khi trồng đến khi có quả. Khi quả lớn bằng ngón chân cái sẽ được bọc bằng lớp bao xốp và một lớp ni lông bên ngoài cho đến khi thu hoạch để giảm thiểu tối đa các loại sâu phá hoại. Ngoài ra, vườn ổi của anh được chăm sóc, phòng bệnh rất đặc biệt, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên được người dân trong và ngoài địa bàn tin dùng.
Anh Đông cho biết: "Chỉ cần tỏi, ớt, gừng đem đi xay nhỏ rồi ngâm với rượu trắng ủ trong vòng 10 -15 ngày sẽ cho thành phẩm thuốc trừ sâu thảo dược. Bắt đầu từ năm 2016, tôi đã mạnh dạn thí điểm loại thuốc trừ sâu này trên diện tích 6 sào ổi. Kết quả ổi phát triển rất tốt, lá xanh và kháng được một số loại sâu bệnh. Mỗi ngày vườn ổi của gia đình cắt bán hơn 50kg, với giá 20.000/kg hiện nay, mỗi ngày gia đình thu được trên 1 triệu đồng".
Người thu mua được vào tự chọn những quả ổi ưng ý. Ảnh: Minh Thái. |
Hiện vườn ổi 1 năm trồng với 400 gốc của anh Đông đã có nguồn thu gần 100 triệu đồng. "So với những sản phẩm thuốc trừ sâu khác, loại thuốc trừ sâu thảo dược tự chế này tuy không diệt được toàn bộ sâu bọ nhưng đuổi chúng đi thì cực kỳ hiệu quả, tỷ lệ đậu quả cao. Đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, an toàn cho người sử dụng và chi phí cũng giảm 40 – 50% cho mỗi vụ sản xuất" - anh Đông chia sẻ.
Theo chị Lê Thị Hà, chuyên đi thu mua ổi ở thị xã Thái Hòa bán ở các chợ quanh vùng: “ Cứ vài ba ngày tôi lại vào vườn ổi anh Đông thu mua khoảng 50 kg, bán hết lại vào hái tiếp. Vườn ổi này quả giòn và ngọt dịu nên tôi bán được giá”.
Từ thành công của mô hình ổi siêu sạch, anh Đông đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, dự tính thời gian tới sẽ mở rộng diện tích lên hơn 1 ha.
Những quả ổi sạch ở Nghĩa Đàn. Ảnh M.T |
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho hay: Đây là cách làm mới, giảm được chi phí cho nông dân, và quan trọng hơn là tạo ra nông sản sạch, Phương pháp này dễ làm, thân thiện với môi trường mà không lo ảnh hưởng tới sức khỏe người sản xuất".
Minh Thái / Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã