Bỏ phí tiềm năng
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Dự án Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông (Ngân hàng Phát triển châu Á), mảng thực phẩm và nông nghiệp tại vùng Mê Kông là một lĩnh vực cực kỳ hứa hẹn, đáng để cân nhắc rót vốn đầu tư. Theo ước tính, đến năm 2050 có đến 5,2 tỷ người trên thế giới không thể tự cung cấp lương thực và 70% trong số đó sống ở khu vực thành thị nên hầu như không có đất đai để sản xuất. Thế nhưng, ngành nông nghiệp trên thế giới lại đang không được quan tâm đúng mức. Tại Việt Nam, tuy thời gian gần đây nền nông nghiệp đã có những bước tiến khởi sắc nhưng lợi ích thực sự mang lại cho người nông dân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Đơn cử, với cách sản xuất truyền thống ở nước ta, mỗi héc ta trồng cà chua chỉ cho 20 - 30 tấn sản phẩm, trong khi nếu áp dụng công nghệ cao có thể đạt tới 250 - 300 tấn trên cùng một diện tích; hay mỗi héc ta trồng hoa hồng ở nước ta chỉ cho 1 triệu cành, nhưng tại Israel do ứng dụng công nghệ nên đạt tới 15 triệu cành.
Để nền nông nghiệp sạch “cất cánh” cần nhiều yếu tố. Diễn đàn kết nối “Công nghệ xanh - nông nghiệp sạch” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng đã hé mở nhiều điều giúp các đại biểu định hình được những hướng khởi nghiệp tiềm năng nhất để phát triển. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam nói: “Nền nông nghiệp Việt Nam bắt buộc phải cải tiến và phải cải tiến mạnh nếu không muốn tụt hậu với thế giới”. Ông Anh cũng mong muốn doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp phải là nông dân và ra đồng để hiểu rõ mới tâm huyết với nó được. Trong khi đó, theo GS. Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, điều ông quan tâm là người nông dân được gì từ cuộc cách mạng công nghệ cho nông nghiệp không? GS. Nguyễn Lân Hùng cho rằng, hiện nay chúng ta cứ mãi bám víu vào hai đối tượng chính là cây lúa và con heo, trong khi còn rất nhiều đối tượng sinh học có tiềm năng sinh lợi rất cao lại không được chú trọng.
Dự tính nhu cầu thị trường
Tại bàn tròn về những kinh nghiệm với nông nghiệp sạch, GS. Nguyễn Lân Hùng có những chia sẻ rất thực tế về các giống “cây”, “con” đáng để cân nhắc. Như trường hợp một số người dân tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, cải tạo đất ở một số vùng không màu mỡ để trồng cam đã cho lãi gấp 12 lần so với trồng lúa. Hay những người dân miền Tây Nam Bộ khi lên Tây Nguyên định cư đã cải tạo những mảnh rừng bỏ hoang để trồng cam nghịch vụ mà sản lượng thu hoạch luôn có thương lái Úc, Canada… chờ sẵn để bao tiêu. Với miền Trung - Tây Nguyên, các chuyên gia cũng đã gợi ý một số loại cây để tìm hướng đi mới như sachi, mắc ca, nghệ…
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, khởi nghiệp không nên theo phong trào mà cần tỉnh táo nhận diện nhu cầu của thị trường và thị trường sẽ quyết định lớn đến đối tượng khởi nghiệp. Bên cạnh những nỗ lực khởi nghiệp của doanh nghiệp, cần có sự đồng hành kiến tạo của cơ quan chức năng. Bà Hạnh cũng chia sẻ, các chuyên gia kinh tế của Hoa Kỳ từng bày tỏ với bà rằng, nếu Việt Nam có một tổ chức trung gian đứng ra đảm nhận nhiệm vụ đồng hành với doanh nghiệp thì việc có một hệ sinh thái doanh nghiệp cực kỳ mạnh mẽ là điều tất yếu. Còn GS. Nguyễn Lân Hùng khuyến cáo, doanh nghiệp cần phải biết mặt trận nông nghiệp đang có những gì chứ không thể đầu tư một cách lơ mơ.
Cần sự chung tay
“Những người trẻ khởi nghiệp phải dần lan tỏa tinh thần nông nghiệp công nghệ cao. Bởi nông nghiệp trong nước là mảnh đất màu mỡ, trên hết không ai có thể hiểu và làm nông nghiệp tốt hơn người Việt trên đất Việt”. (Ông Nguyễn Khắc Minh Trí - CEO Công ty MIMOSATEK) |
Ông Trần Vũ Nguyên - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đặt ra thực trạng rằng, hiện nay người khởi nghiệp nhất là những người trẻ không biết làm sao tiếp cận với các “đầu mối” trọng tâm như đại diện chính quyền hay nhà khoa học… để nhờ tư vấn, tìm tòi cơ hội. Trước hơn 200 đại biểu tham dự diễn đàn, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ nói: “Cơ chế ưu đãi khởi nghiệp hiện nay không thiếu, với các chính sách như: hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hay Đề án 844 - hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ NN&PTNT có chương trình công nhận các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và những đơn vị có chứng nhận này sẽ được Nhà nước hỗ trợ ngân sách tham gia gói tín dụng 100 nghìn tỷ để phát triển. Đề cập một khía cạnh khác của vấn đề chung tay cho khởi nghiệp, ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng thư ký Câu lạc bộ Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chia sẻ: “Truyền thông đang nhắc quá nhiều đến vấn nạn thực phẩm bẩn mà ít đề cập những đơn vị đang nỗ lực để mang lại một nền nông nghiệp sạch vốn cũng tạo được nhiều dấu ấn trong thời gian qua”.
Hiện nay có một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp do Chính phủ Úc và Ngân hàng châu Á dành cho khu vực Mê Kông, được ông Stanley Booth - cố vấn cao cấp Dự án hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông giới thiệu là “Mekong Agritech Challenge”. Với “Mekong Agritech Challenge”, những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm trong vùng có định hướng khởi nghiệp về nông nghiệp sẽ có cơ hội cạnh tranh để nhận gói cung cấp dịch vụ trị giá 100 nghìn USD. Thời gian của chương trình kéo dài đến tháng 3.2018.
QUỐC TUẤN/hbaoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã