Học tập đạo đức HCM

Chợ Gôi - nơi hồn quê neo đậu

Chủ nhật - 08/02/2015 00:40
Người dân Hương Sơn từ vùng hạ đến vùng thượng, không ai không biết chợ Gôi, một chợ quê được hình thành từ lâu đời. Sản phẩm khá phong phú, từ nông, hải sản đến mây tre đan. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là phiên chợ cuối năm vào 29 Tết Nguyên đán.


Những phiên chợ đậm tình người

Chợ Gôi nằm giáp ranh giữa 2 xã Sơn Thịnh và Sơn Hòa. Thuở trước, dòng sông và con đò là phương tiện tối ưu nhất trong việc vận chuyển hàng hóa, hàng từ Vinh lên theo đò dọc, hàng nông - lâm sản từ miền thượng Hương Sơn đổ xuống bằng đò xuôi. Một nét rất văn minh của chợ Gôi là cung cách trong buôn bán của đời xưa còn giữ được, đó là sự sòng phẳng với nhau trong buôn bán, không có sự sát phạt, giành giật.

Chợ Gôi - nơi hồn quê neo đậu

Một góc chợ Gôi

Chợ Gôi rất đượm tình, đượm nghĩa. Trong chợ, ít có trường hợp chửi bới, lăng mạ nhau. Người bán không bị mất hàng. Người mua không sợ mất tiền. Văn minh được xây dựng trên nền văn hóa làng đã ăn sâu trong tiềm thức. Chợ Gôi là bức tranh phong phú, phản ánh đầy đủ đời sống và sinh hoạt của người dân miền thượng Hương Sơn.

Dạo chợ, người mua hay không mua hàng cũng cảm thấy thư thái, thoải mái ngắm nhìn những sản phẩm tiêu dùng. Mặt hàng của miền sơn cước, từ sợi dây thừng buộc trâu đến bó lạt giang để lợp nhà. Mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như lưỡi cày, lưỡi hái, cuốc, dao, rựa, thuổng, xẻng... đến cả sợi dây làm bằng nhôm để xích những chú chó chạy rông. Chưa hết, các sản vật còn tươi rói, vừa được đánh ở dưới khe, sông, suối, hay bắt ở ao hồ lên như cá mát, cá quả, cá chép, lươn, ếch... Rồi lợn con, thỏ con, chó con và dê con... cũng được nhiều người đưa đến phục vụ khách hàng.

Có người bảo rằng: hầu hết sản phẩm ở chợ Gôi đều đảm bảo chất lượng, người bán có “tâm” nên mua về nuôi thì con vật chóng lớn, dùng thì bền lâu. Vào khoảng tháng 8, chợ Gôi ngất ngưởng những rổ bưởi to, vàng mọng. Dịp Tết Nguyên đán, cam bù chín, bày đỏ lựng cả chợ. Rồi rau cải, xà lách, rau dền, mùng tơi, rau ngót... đến cả những mớ rau lang trông thật ngon mắt.

Bây giờ thì chợ Gôi hiện đại hơn xưa nhiều. Những ki-ốt ngang, dọc với những sạp hàng đủ màu sắc. Nhiều nhất là hàng may mặc được nhập từ Thái Lan và hàng điện tử. Âm thanh chợ Gôi náo nhiệt hơn bởi ánh điện lung linh, bởi những băng đĩa thu hình và mạng internet kết nối.

Trong muôn vàn sự khởi sắc của thời mở cửa, chợ Gôi vẫn neo lại trong tim mỗi người một nét đặc trưng không thể lẫn vào các chợ khác, đó là kẹo cu-đơ ngon nổi tiếng, là bánh đa, bánh đúc, thịt dê được bày bán mỗi phiên. Thức nào cũng có thể mua làm quà. Chợ Gôi tạo điều kiện cho người dân 2 xã Sơn Thịnh, Sơn Hòa mở mang, phát triển làng nghề.

Hội chợ ngày 29 tết

Người dân Hương Sơn dầu bận rộn bao nhiêu, vào 29 tết cũng cố dành thời gian xuống chợ Gôi để mua hàng và thưởng thức không khí tết. Riêng với trẻ con, gần tết được cha, mẹ cho đi chợ Gôi thì không có gì sung sướng bằng.

Chợ Gôi - nơi hồn quê neo đậu

Gian hàng quần áo trong chợ Gôi

Người dân Hương Sơn đã quen với phong tục đi chợ vào sáng 29 tết, gọi là đi “chợ tru”. Bởi một nhẽ, ngày thường, chợ Gôi đa dạng về hàng tiêu dùng, chỉ có phiên 29 tết, muôn nơi đưa trâu bò về đây để bán. Còn người mua cũng mong muốn tìm “đầu cơ nghiệp” tốt để có sức kéo lâu dài. Cả năm, làm lụng vất vả, dành dụm được ít vốn liếng thì tốt nhất đến chợ Gôi mới thỏa mãn vì mua được con trâu hay con bò mình ưng ý.

Chợ Gôi neo vào ký ức tôi những kỷ niệm êm đềm, sâu sắc.

Hồi ấy, tôi được cha đưa đi chợ đúng vào 29 tết. Khi cha dắt tôi vào chợ, sương mù còn bảng lảng nhưng người từ mọi nơi đổ về chợ đã chật như nêm. Cái thú nhất của tuổi thơ tôi là trò chơi tò he, trống bỏi và pháo tép. Khi cha đưa đến các gian hàng này, tôi đã gặp nhiều đứa trẻ trạc tuổi. Tôi nhớ 1 con tò he hồi ấy giá chỉ 1 hào, 1 dây pháo tép dài 3 hào, 1 chiếc trống bỏi 1 hào. Cha chiều tôi nên mua cả 3 thứ đó và nói rằng: “Tiền mua đồ chơi cho con tính ra đã đủ đong được cân rưỡi gạo. Nếu con thương cha mẹ, cố gắng học giỏi hơn!”.

Thời điểm ấy, mua sắm đồ chơi cho con như vậy, quả thật không phải người cha nông dân nào cũng có thể làm được. Sắm đồ chơi xong, cha con tôi lại tìm đến quầy bán đồ áo may sẵn. Thấy tôi khoái cái áo màu xanh chỉ giang, cha phải chi thêm 4 đồng nữa để tôi có trọn bộ mặc tết. Về đến nhà chưa kịp giặt, tôi đã chưng diện bộ đồ mới, khiến thằng bạn cạnh nhà khóc đòi mẹ suốt cả trưa. Bây giờ, nhớ lại chuyện cũ, tự nhiên nước mắt tôi lại trào ra.

Xuân Ất Mùi 2015, tôi trở lại chợ Gôi. Dầu chưa tới 29 tết, nhưng không khí trong chợ đã tất bật, náo nhiệt. Điều khiến tôi cảm động nhất là những gốc bàng quanh chợ ngày nào; một dãy rổ rá, thúng mủng, dần sàng; những sản phẩm mang nét quê của 2 làng nghề Sơn Thịnh, Sơn Hòa vẫn còn đó. Một người đàn ông trung tuổi cất tiếng:

- Bác có mua nơm về úp cá không, hay mua lừ đơm cá để em chọn cho. Nếu thích lấy lưới bằng sợi cước thì đây cũng có.

Nhìn những sản phẩm thủ công đó, tôi càng khâm phục đức tính cần mẫn, bàn tay điêu luyện của người dân làng đan. Cạnh các gian hàng mây tre đan là hàng bánh đa, bánh đúc, bánh nếp gói bằng lá chuối vườn.

Thăm lại chợ Gôi, tôi không chỉ được thưởng thức hương vị, đặc sản quê mà còn được ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu về một chợ quê mang đậm nét Việt.

Tháng 2/2015

Phan Thế Cải
Theo baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập398
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại799,079
  • Tổng lượt truy cập90,862,472
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây