Phóng viên (PV): Đang là thời điểm mùa khô, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại xuất hiện mưa, ông lý giải hiện tượng này như thế nào?
PGS, TS Lê Anh Tuấn: Theo quy luật, sau hiện tượng El Nino kéo dài sẽ chuyển sang thời kỳ La Nina. Và thời điểm này, chúng ta đang trong một giai đoạn khác gọi là pha trung tính trước khi chuyển sang La Nina. Trong giai đoạn pha trung tính, mùa mưa kéo dài, lượng mưa cao, thường xuyên xảy ra mưa trái mùa. Dự báo thời gian tới, mưa trái mùa vẫn còn khả năng xảy ra tại khu vực Nam Bộ nhưng phạm vi hẹp và lượng mưa cũng không nhiều.
Theo dự báo từ tổ hợp các mô hình khí quyển-đại dương, hiện tượng La Nina có khả năng xuất hiện vào cuối mùa với xác suất khoảng 70%. Nhưng La Nina yếu, nên có một số bất thường. Thực tế, ngay từ đầu năm dù đang trong tháng khô hạn nhưng lại xuất hiện một vài cơn mưa. Vì thế, năm 2017 tiếp tục được dự báo là năm đầy phức tạp của tình trạng BĐKH. Một điều có thể khẳng định là ĐBSCL sẽ tiếp tục thiếu nước trong thời gian tới.
PGS, TS Lê Anh Tuấn.
PV: Trước những diễn biến ngày càng cực đoan và nhanh hơn so với dự báo của tình trạng BĐKH, theo ông, cần có những giải pháp gì để phù hợp với tình hình thực tế?
PGS, TS Lê Anh Tuấn: Theo tôi, với tốc độ nhanh và cực đoan của BĐKH thì kịch bản BĐKH cũng cần phải có tầm nhìn xa hơn so với trước. Hiện tại, các bộ, ngành liên quan đang chuẩn bị công bố một kịch bản BĐKH mới. Chúng tôi hy vọng vào kịch bản BĐKH mới này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, chỉ trông chờ vào nó không vẫn chưa đủ, điều quan trọng hơn là sự phối hợp của người nông dân.
PV: Tại cuộc hội thảo về năng lượng diễn ra vào cuối năm 2016, ông có đề cập đến tác hại của năng lượng than đá đến môi trường. Vậy đây có phải là một trong những yếu tố làm cho BĐKH ngày càng phức tạp hơn?.
PGS, TS Lê Anh Tuấn: Tôi cho rằng, than là một loại nhiên liệu khi đốt thải ra CO2 rất nhiều. Điều này là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng BĐKH ngày càng phức tạp hơn. Ở một số nước phát triển trên thế giới đang có khuynh hướng khuyến khích chuyển qua sử dụng các năng lượng tái tạo. ĐBSCL cũng có thể làm được điều này để giảm tác hại của BĐKH.
PV: Sau đợt hạn mặn năm 2016, đã có nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH được thực hiện. Vậy, ông có thể đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp được áp dụng thời gian qua?
PGS, TS Lê Anh Tuấn: Để đối phó với tình hình hạn mặn, nông dân đã có phong trào nuôi các loại tôm và về sau là chuyển đổi sang các giống lúa chịu hạn. Phong trào này tập trung mở rộng tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hiện nay, các vùng này đã có phương pháp biến nước mặn từ 16 phần nghìn về 0,02 phần nghìn, tức là theo tiêu chuẩn cho phép của ngành khoa học để dùng làm nước sinh hoạt. Ngoài ra, tại một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, lãnh đạo địa phương cũng đã khuyến khích, động viên bà con bỏ bớt vụ lúa, thay vào đó bằng các vụ cây khác và chuyển đổi nuôi cá. Từ vài năm nay, các địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi từ việc trồng lúa sang trồng hoa màu, nhất là ở những vùng đất pha cát, như vùng Cù Lao.
Việc tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long xuyên... cũng được thực hiện. Điều này sẽ góp phần chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro, đồng thời thay đổi tập quán canh tác của người dân... Đây được xem là một trong những tín hiệu khả quan để ứng phó với BĐKH. Với những động thái tích cực trên, tôi cho là khá tốt trong việc thích ứng với BĐKH thời gian qua.
PV: Về lâu dài chúng ta cần những yếu tố gì để thích ứng với BĐKH một cách bền vững, thưa ông?
PGS, TS Lê Anh Tuấn: Theo tôi, để giảm tác hại của BĐKH, ngoài đa dạng hóa cây trồng, ngưng mở rộng vùng canh tác 3 vụ, việc xây dựng vùng trữ nước mưa, hợp tác với các nhà khoa học tìm những giống cây phù hợp chúng ta có thể lợi dụng yếu tố BĐKH để đưa ra các chiến lược khai thác như: Nắng nóng rất thuận lợi để làm điện mặt trời; gió bão hoặc sóng biển, thủy triều gia tăng chúng ta có thể tận dụng làm năng lượng gió.
Tại các vùng nhiễm mặn, nếu nuôi tôm bền vững thì nên đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi kèm theo, giúp người dân tránh được tình trạng tôm bệnh như hiện nay. Còn đối với những vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn bảo đảm có nước ngọt quanh năm thì tập trung trồng lúa. Riêng vùng đất cát ven biển có thể tổ chức cho nông dân trồng màu hoặc cây ăn trái như: Xoài, nhãn, vú sữa, chuối, hành, tỏi, sắn... Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết giữa người nông dân với các doanh nghiệp chế biến, bảo quản để đưa sản phẩm ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THÚY AN (Thực hiện)/ Báo QĐND