Tại buổi làm việc, thay mặt cho Liên minh HTX nông nghiệp Nonghyup, ông Lee Beom Seok Tổng giám đốc trung tâm phân phối Hanaro cho biết Trung tâm được thành lập vào năm 1995, đến nay, Trung tâm có 25 siêu thị lớn và chi nhánh với thương hiệu NH Nonghyup và 5.000 nhân viên làm việc trong toàn hệ thống siêu thị, đạt doanh thu 400 tỷ/năm, mỗi ngày đạt 700 - 800 triệu won, các ngày cuối tuần đạt cao hơn khoảng 1,2 tỷ won. Năm 2015, doanh thu toàn hệ thống đạt 1.700 tỷ won.
Hỗ trợ tối đa cho nông dân
Hệ thống lưu thông hàng hóa của Trung tâm phân phối Hanaro liên kết trực tiếp từ nhà sản xuất (nông trại) đến người tiêu dùng để có giá bán cao nhất cho người sản xuất và giá thấp nhất đến người tiêu dùng, tránh qua nhiều khâu trung gian.
Trong hệ thống siêu thị NH Nonghyup chỉ bán các sản phẩm được sản xuất trong nước mà không hề có các sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị NH Nonghyup có bộ phận kiểm soát chất lượng sản phẩm để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại NH Nonghyup có 25 siêu thị (trong 25 siêu thị này có 9 cái của 9 tỉnh lân cận thủ đô và còn lại là 16 của Liên minh HTX) quy mô lớn do Liên minh HTX quản lý hoạt động tại các thành phố lớn của Hàn Quốc, bán các sản phẩm của tất cả các địa phương đưa về.
Còn tại các HTX trên địa bàn nhỏ cũng có các siêu thị nhỏ (có 2.100 siêu thị nhỏ với quy mô 1.000m2của các HTX) để tiêu thụ các sản phẩm của của nông dân trong khu vực và các sản phẩm của địa phương. Đất để xây dựng các khu siêu thị có thể thuê với giá thấp, hoặc được Chính phủ cho thuê miễn phí với thời hạn 3 - 5 năm, hết hạn lại ký gia hạn tiếp.
Chủ tịch Võ Kim Cự thăm một siêu thị trong hệ thống NH Nonghyup
Hiện nay, trong 50 triệu dân số Hàn quốc có 2,75 triệu là nông dân, chiếm hơn 5%, tham gia vào việc thành lập các Liên minh HTX. Liên minh HTX giúp mua vật tư đầu vào cho nông dân, cho nông dân vay vốn để sản xuất.
Hoạt động của Liên minh HTX có ba mảng chính: kinh tế, tín dụng và đào tạo. Hệ thống nông nghiệp có các công ty con chuyên cung cấp các sản phẩm và vật tư liên quan đến nông nghiệp để phục vụ chung cho các HTX của Liên minh. Phần lớn vốn tại các công ty là vốn góp hoặc cổ phần. Ngoài ra, cũng có các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm nhân thọ…
Các tổ chức tín dụng của Liên minh HTX như ngân hàng, bảo hiểm… đều có mối quan hệ với các HTX, lãi suất cho nông dân vay thấp hơn so với ngân hàng thương mại. Hiện tại, Hàn Quốc có 4.627 chi nhánh ngân hàng tại các địa phương và 1.000 chi nhánh của Liên minh HTX (giống quỹ TDND của Việt Nam).
Thị trường là mệnh lệnh
Trong tổng số GDP của Hàn Quốc là 1.400.000 tỷ won thì nông nghiệp chỉ đóng góp 2%. Khi Hàn Quốc tiến hành công nghiệp hóa, tỷ lệ này càng ngày càng giảm xuống. Từ thập niên 90 của thế kỷ 20, Hàn Quốc bắt đầu gia nhập thị trường thế giới, khi đó, ngành sản xuất nông nghiệp của người nông dân có nhiều khó khăn xuất hiện.
Chính vì vậy, Liên minh HTX Hàn Quốc ra đời nhằm giúp người nông dân sản xuất ra các sản phẩm với giá rẻ nhất nhờ việc cung cấp hỗ trợ đào tạo nhân lực phù hợp với phương thức sản xuất mới, trang bị kiến thức và sử dụng công nghệ mới, đồng thời bán giống, cây trồng và vật tư với giá rẻ nhất.
Có thể nói, việc Hàn Quốc xây dựng hệ thống tiêu thụ các sản phẩm do nông dân sản xuất đã rất thành công và hiệu quả vì thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Một vấn đề đặt ra là muốn phát triển HTX cần đất, vốn, thị trường, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực thì tại Hàn Quốc đã có đủ cả 5 vấn đề mà HTX cần phải có.
Do 25 siêu thị của NH Nonghyup được thành lập là vốn của Liên minh HTX, nên Liên minh HTX có quyền bổ nhiệm người điều hành các siêu thị này. Việc đào tạo nhân viên có thể thực hiện tại chỗ, hoặc cử đi đào tạo tại các trung tâm đào tạo của chính phủ Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ cho nông dân để phát triển sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm của mình với lãi suất vay thấp thậm chí không lãi suất.
Chia sẻ sau chuyến thăm và làm viêc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự cho biết Việt Nam rất quan tâm đến sự phát triển của nông nghiệp, do tỷ lệ nông nghiệp của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam là cấp bách và chiến lược. Vì vậy, Việt Nam mong muốn học tập Hàn Quốc về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tổ chức trong nông nghiệp để đạt nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.
Theo thời báo kinh doanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã