Thúc đẩy thương mại nông thôn phát triển
Là điểm tập trung lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu, chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Sau một thời gian xây dựng, cuối tháng 7 vừa qua, chợ Trường An (ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) đã cơ bản hoàn thành. Chợ Trường An mới được đầu tư xây dựng trên nền chợ cũ với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện. Việc xây dựng chợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán của người dân, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển thương mại, dịch vụ của địa phương.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 160 chợ đang hoạt động nằm trong quy hoạch, trong đó có 120 chợ nông thôn. Trước năm 2014, do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất của hầu hết các chợ, công trình phụ trợ bị xuống cấp nghiêm trọng, hiệu suất sử dụng không cao. Ở nhiều chợ, các khu thu gom rác thải, hệ thống xử lý nước thải không được đầu tư đồng bộ đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, hầu hết các chợ chưa trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao.
Một khó khăn khác, do đặc điểm của chợ nông thôn hầu hết là chợ hạng 3, mãi lực không cao, quy mô nhỏ nên việc huy động vốn đầu tư phát triển, nâng cấp, sửa chữa gặp rất nhiều trở ngại. “Doanh nghiệp chủ yếu quan tâm đến các chợ hạng 1, hạng 2, trong khi ngân sách của các địa phương thì chưa thể đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng chợ mới nên việc nâng cấp, sửa chữa xây dựng mới chợ nông thôn gặp rất nhiều khó khăn” – ông Lê Văn Lộc – Phó giám đốc Sở Công Thương – cho biết.
Xuất phát từ thực tế trên, từ năm 2014, Sở Công Thương Đồng Nai đã tham mưu và kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về mức hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn nhằm tạo cơ chế huy động nguồn vốn xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chợ nông thôn. Với nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và các địa phương, trong 2 năm (2015 – 2016), đã có 15 chợ nông thôn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới. Đa số các chợ mới được hỗ trợ kinh phí đầu tư và đưa vào hoạt động, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua, bán của nhân dân địa phương và các xã lân cận.
Cần có giải pháp đồng bộ
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư phát triển chợ nông thôn, năm 2017, sẽ có thêm 10 – 15 chợ trong toàn tỉnh được đầu tư từ ngân sách để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa.
Thực hiện mục tiêu này, hiện Sở Công Thương đang đề xuất UBND tỉnh về các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, phát triển mạng lưới chợ nông thôn, đặc biệt là các vướng mắc về đất đai. Sở Công Thương đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn các địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chợ, đẩy mạnh cải cách thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chợ. Đồng thời, kiến nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư sớm tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy trình đầu tư xây dựng chợ.
Sở Công Thương Đồng Nai cũng kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương nhanh chóng cập nhật vị trí đầu tư xây dựng chợ vào hồ sơ quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn được duyệt; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để kêu gọi xã hội hóa chợ nông thôn.
Việc phát triển nhanh và đồng bộ mạng lưới chợ nông thôn thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. |
Ngọc Hân-LM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã