Xuất khẩu lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: L.H.N |
Khi giảm diện tích lúa trên quy mô lớn, người nông dân phải đương đầu với những khó khăn, thách thức mới. Chẳng hạn, trong sản xuất lúa hiện nay, rất nhiều khâu đã cơ giới hóa, nếu chuyển sang cây trồng khác chưa có sẵn công cụ cơ giới chắc chắn sẽ thiếu lao động.
Một khi phải thuê lao động giá đắt, giá thành tăng lên, người nông dân còn lỗ hơn làm lúa. Việc chuẩn bị thị trường cho cây trồng trên quy mô lớn khác ngoài lúa cũng không dễ. Lúa còn trữ lại được, không bán năm nay, sang năm bán, nhưng với các loại rau củ, phải tiêu thụ ngay, cần có khách hàng ổn định.
Một yếu tố quan trọng nữa là đầu tư. Việc tăng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, đầu tư theo chiều sâu, đầu tư vào công nghệ, chế biến, tiếp thị là không dễ. Hiện tại, từ đồng bằng sông Cửu Long, toàn bộ lúa gạo và nông sản phải chuyển lên TP.HCM để xuất khẩu, trong bối cảnh không có đường sắt, hệ thống đường bộ chật chội, chỉ có một đoạn đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM.
Tình trạng giao thông của vùng trọng điểm nông nghiệp Tây Nguyên còn khó khăn hơn. Đấy là chưa kể đến tình trạng giao thông phục vụ sản xuất ở những vùng khó khăn như Tây Bắc, nơi sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của đa số đồng bào dân tộc.
Cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 1-2 % doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp, nếu tỷ lệ đấy tăng gấp 10 lần, tình hình nông nghiệp Việt Nam sẽ khác.
Nhà nước cần sớm tháo gỡ những điểm tắc về cơ sở hạ tầng như hình thành hệ thống đường huyết mạch để nối các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp ra các cảng biển, thị trường chính; phát triển hệ thống điện phục vụ cho nông nghiệp.
Với công nghệ cao, khả năng đầu tư sâu và quản lý của các DN lớn, các DN xuyên quốc gia, có thể phát huy tiềm năng to lớn của sản xuất nông nghiệp, lợi thế chính của Việt Nam, ngay cả với những ngành tưởng như đã khai thác hết năng lực như ngành lúa gạo, biến chúng thành những ngành có sức sống mới.
Nắm bắt triển vọng phát triển của thị trường nông sản tương lai, một số DN trước đây đầu tư vào bất động sản, vào thép, nay đang chuyển sang sản xuất nông nghiệp, kể cả lúa gạo. Đây là xu hướng tốt, bởi xét trên tổng thể, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là nông nghiệp, nhưng thời gian qua, các chính sách định hướng tài nguyên trên thị trường đã không dựa trên lợi thế sẵn có này. Ngược lại, phát triển quá nóng một số lĩnh vực Việt Nam không có lợi thế như xi măng, sắt thép,..., gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường và không đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội. Cách làm này phải thay đổi càng sớm càng tốt.
Khả năng nâng cao giá trị gia tăng hiện nay có ở hầu hết các ngành nông nghiệp, kể cả ngành lúa gạo. Nếu thay đổi cơ cấu giống, thay đổi kỹ thuật sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, làm tốt công tác phát triển thị trường, làm tốt giải pháp thương hiệu, chất lượng thì thị trường vẫn còn rộng mở, thậm chí mở hẳn sang những mảng thị trường mới rộng lớn và quan trọng hơn.
Trước mắt có thể phải điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, giảm diện tích trồng lúa trong một vài vụ nhưng về lâu dài là phải mở rộng thị trường, tiến vào những phân khúc, những khách hàng mà chúng ta chưa với tới, đó mới là hướng đi tốt nhất.
Ngoài các thị trường truyền thống, Trung Quốc có thể là thị trường lớn tương lại cho lúa gạo Việt Nam. Trung Quốc thiếu nước, thiếu đất lâu dài trong tương lai. Hiện nay, các tỉnh sản xuất lúa gạo ở phía Nam Trung Quốc, diện tích đang thu hẹp rất nhanh để chuyển sang trồng các loại cây lương thực khác như lúa mạch, lúa mỳ, ngô, những thứ có giá trị cao và tiết kiệm nước hơn.
Họ cũng chuyển sang trồng rau, trồng hoa là những mặt hàng có giá. Vì thế, các vùng trồng lúa chính ở Trung Quốc chuyển mạnh lên phía đông bắc, vùng có khí hậu phù hợp với giống lúa Japonica nhưng diện tích hẹp hơn rất nhiều. Loại gạo này cũng được tiêu thụ cả ở Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Nhu cầu lớn nhưng diện tích lại giảm.
Như vậy, việc chuyển đổi cơ cấu đất lúa ở Việt Nam, trước mắt là chuyển vụ để dành thêm diện tích trồng thêm các loại hoa màu, sau đó là chuyển đổi cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác để nhắm vào các giống lúa thị trường cần nhiều và có giá hơn, làm tốt công tác tiếp thị, phát triển thị trường,... Tất cả quá trình tái cơ cấu căn bản đó sẽ tạo nên ngành sản xuất, kinh doanh lúa gạo đầy sức sống cho đất nước.
Theo Doanhnhansaigon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã