Ông Sành sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Năm 1972, ông được biên chế vào đội quyết tử pháo phòng không săn máy bay Mỹ đánh phá các điểm cầu Phú Lương, cầu Lai Vu. Năm 1973, đế quốc Mỹ buộc phải ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông trở về, tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp, cùng miền Bắc tích cực chi viện cho miền Nam đánh thắng Mỹ ngụy thống nhất đất nước trong mùa xuân năm 1975. Lập gia đình với cô thôn nữ cùng huyện năm 1976, sinh con rồi bươn trải cuộc sống với nhiều nghề, từ thợ mộc, thợ rèn đến làm kinh tế theo mô hình V.A.C, nhưng những công việc đó cũng chỉ giúp ông đủ lo cho cuộc sống thường nhật.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đồng đất thôn Thượng Dương, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vốn là đất trồng hành tỏi, nhưng sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ mà chỉ chậm vài ngày là bỏ đi, coi như công sức của người nông dân thành ra đổ sông đổ biển, từ đó, trong đầu ông nảy ra ý tưởng sáng tạo ra máy chiếc máy thái hành, giúp bà con nông dân đỡ vất vả hơn. Vào đầu năm 2000, nhiều công ty xuất khẩu về thu mua hành thương phẩm, chế biến tại xã, sau khi thu hoạch, bà con nông dân phải ngồi thái từng củ hành. Thấy bà con nông dân thái hành vất vả, năng suất lao động không cao, ông tìm mua những vật dụng như nhôm, động cơ, trục xoay, đĩa về để nghiên cứu chế tạo… dao thái.
Năm 2002, chiếc máy thái hành quay bằng tay đầu tiên của ông Sành ra đời, năng suất từ 1-4 tạ/giờ. Sau này, ông cải tiến máy thái hành tự động, thay thế thái hành bằng phương pháp thủ công. Máy thái hành sử dụng rất đơn giản, chỉ cần cắm điện, đổ hành lên khay nhôm phía trên là máy sẽ tự động thái hành với công suất cao mà không bị nát. Đặc biệt, những củ hành, tỏi được thái có những lát cắt đều tăm tắp, không gây hao hụt, năng suất thái từ 6 - 8 tạ hành, tỏi/giờ, trong khi đó, nếu thái hành bằng phương pháp thủ công thì người nông dân chỉ thái được từ 16-18kg hành/ngày. Với chiếc máy thái hành này, ông Sành đã giúp nhiều nông dân tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Cả nước biết tên
Không thỏa mãn với thành công ban đầu, ông Sành lặn lội đến các thợ cơ khí, học hỏi cách hàn, rèn, cách tính các thông số kỹ thuật và đến các cơ sở sấy nông sản để tìm hiểu nguyên lí sấy khô. Tận mắt chứng kiến chiếc máy bóc thái hàng tạ hành, tỏi đều tăm tắp trong thời gian ngắn, bà con địa phương đã gọi ông bằng cái tên trìu mến là ông Sành “sáng chế” hay “nhà khoa học chân đất”.
Chiếc máy có cấu tạo khá đơn giản, chỉ gồm một khay nhôm, một động cơ, một trục xoay ly tâm, một đĩa định hình và dao thái theo tiêu chuẩn. Với trọng lượng khoảng 30kg, máy có thể thái chính xác theo nhu cầu của người sử dụng, không sai chút nào. Hành, tỏi sau khi rửa sạch, đổ vào máy, được bóc vỏ bằng một lưỡi dao ở cửa trên rồi trôi xuống để hai lưỡi dao ở dưới thái chúng theo chiều dọc, thành những miếng đều tăm tắp. Máy hoạt động nhờ động cơ điện công suất 375W hoặc 750W nối với trục của máy bằng dây curoa. Khi không thái hành, có thể dùng động cơ này để bơm nước, tuốt lúa, nghiền thức ăn cho gia súc. Điểm nổi trội nhất của máy và cũng là sáng tạo của ông Sành chính là việc ông đã nghiên cứu dùng loại dao có hình bầu dục thay thế cho lưỡi dao thẳng. Với lưỡi dao thẳng chỉ có tác dụng thái nên sẽ khó bóc được vỏ, đồng thời làm vỏ hành bám dính vào dao. Còn lưỡi dao bầu dục có thể bóc và đẩy hoàn toàn vỏ hành qua nắp trượt ra ngoài máy.
Năng suất bóc, thái của máy đạt 6-8 tạ hành, tỏi/giờ, trong khi một người làm thủ công tối đa chỉ bóc được 15-17kg, thái được 10kg/giờ. Tính ra, chiếc máy có thể thay thế hàng trăm người làm thủ công cật lực. Cùng với máy thái hành tỏi, ông Sành còn chế tạo ra nhiều loại máy nông cụ khác phục vụ nông dân như: Máy thái bí ngô, máy thái mứt, máy thái củ cải... Nhờ tính ứng dụng cao trong thực tiễn, giải phóng đáng kể sức lao động cho người nông dân nên sản phẩm của ông được tiêu thụ rộng rãi không chỉ trong tỉnh mà cả ở các tỉnh ngoài như: Thái Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn..., thậm chí sang cả các nước Trung Quốc, Lào, Indonesia, Thái Lan.
Với việc cho ra đời nhiều loại máy móc phục vụ thiết thực cho bà con nông dân, ông Sành nhận được nhiều giải thưởng của tỉnh và Trung ương như: Giải Ba cuộc thi sáng tạo Khoa học - Công nghệ tỉnh Hải Dương năm 2004, Giải Khuyến khích Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2004, Giải thưởng 15 năm Khoa học công nghệ quốc gia và Kỷ niệm chương Vì sự phát triển kinh tế nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng năm 2008, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ....
Ông Nguyễn Văn Sành không phải là kỹ sư hay tiến sĩ, nhà khoa học..., thậm chí mới chỉ học hết lớp 4, nhưng những phát minh sáng chế của ông được áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, tiết kiệm chi phí sản xuất và thời gian lao động đem lại lợi ích hàng tỉ đồng mỗi năm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, điều đáng buồn là cho đến nay, những sáng chế của ông Sành đều chưa được đăng ký bảo hộ độc quyền. Đây cũng chính là vấn đề mà ông Nguyễn Văn Sành mong muốn nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền địa phương bởi theo ông chi phí đăng ký sản phẩm bảo hộ rất tốn kém.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung chỉ đạo Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, đưa quỹ ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng hiệu quả. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cùng với các chương trình, quỹ khoa học công nghệ khác hoạt động hiệu quả sẽ góp phần nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm mới, dịch vụ mới với chất lượng và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, thông qua hỗ trợ tìm kiếm, giải mã, làm chủ và chuyển giao công nghệ, khai thác sáng chế; tạo dựng thị trường công nghệ và hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã