Lợi thì có lợi…
Thực tế, nhiều DN ngay từ khi thành lập đã chọn con đường sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Với cách làm này, nhiều DN lựa chọn các sản phẩm khác loại nhưng cách thức chế biến, kinh doanh giống nhau để không phải đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Nếu có số vốn lớn hơn, nhiều DN đầu tư vào những sản phẩm có cách sản xuất - kinh doanh hoàn toàn riêng biệt và khi thành công sẽ có tác động hỗ trợ nhau về doanh thu, lợi nhuận.
Theo ông Đặng Văn Hiển, Giám đốc Công ty Cổ phần Vinasimex (DN chuyên kinh doanh thương mại, sản xuất, XNK các sản phẩm từ nông nghiệp như: Thủy sản, sắn, gạo, thực phẩm, đồ uống…), ngay từ đầu, Công ty đã lựa chọn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực để tận dụng mọi nguồn lực và thời cơ khi mặt hàng nào đó được giá hoặc nhu cầu thị trường tăng cao đột biến. Hơn nữa, các sản phẩm nông nghiệp của nước ta vẫn tồn tại nhiều rủi ro về giá, nguồn hàng phải thu mua từ từng người nông dân chứ chưa tập trung thành một chuỗi liên kết, phương thức làm việc chưa chuyên nghiệp nên khi có biến động, DN rất dễ bị thiệt hại không thể lường trước được.
Còn đối với Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn, mặt hàng chính là chế biến thực phẩm đóng hộp nhưng dựa trên nhiều loại sản phẩm khác nhau. Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty cho hay, mặt hàng nông sản của Việt Nam rất đa dạng về chủng loại, khi cải tiến về phương pháp nuôi trồng và chế biến sẽ rất phù hợp với khách hàng quốc tế nhưng lại thiếu sự tập trung để có thể thu mua số lượng lớn. Do đó, DN lựa chọn nhiều loại sản phẩm để vừa làm đa dạng nguồn hàng, nâng cao khả năng tìm kiếm khách hàng, vừa tận dụng dây chuyền sản xuất, máy móc cũng như nhân lực, tránh để nhà máy rơi vào trạng thái “nhàn rỗi”.
... Nhưng tùy lựa chọn
Việc đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực trong nông nghiệp có thể nói là một giải pháp khá an toàn cho các DN trước những biến động hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này, DN vẫn còn khá nhiều khó khăn.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và XNK An Phong, Đắk Nông cho biết, hai mặt hàng chính của công ty là tiêu và cà phê có phương thức chế biến và sản xuất khác nhau nên nhà máy cũng như trang thiết bị phải đầu tư khác nhau. Do đó, để mở rộng và phát triển sản xuất hai mặt hàng này, Công ty đang rất cần sự hỗ trợ về vốn và cần phải tìm cách liên kết nông dân với DN để đưa sản phẩm vào sản xuất hiệu quả.
Bên cạnh khó khăn về vốn hay nhà xưởng, trang thiết bị khi DN phát triển theo hướng này, ông Đặng Văn Hiển còn cho hay, chính vì đầu tư vào nhiều lĩnh vực nên DN phải xác định được sản phẩm trọng tâm, đúng nhu cầu của thị trường. Vì thế, Công ty phải nghiên cứu kỹ để đưa ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã tương đương hoặc tốt hơn các DN chỉ tập trung vào sản phẩm đó.
Khó khăn trên lại chính là ưu thế của các DN chuyên sản xuất và chế biến một mặt hàng. Theo bà Đinh Thị Thức, Giám đốc Công ty Cổ phần chè Tân Phong, dù chỉ sản xuất trong một lĩnh vực nhưng Công ty lại có nhiều lợi thế để phát triển. Công ty có uy tín hoạt động lâu năm nên đa phần khách hàng đã trở nên thân thiết và ổn định, nguồn hàng của công ty cũng đã được xây dựng thành các khu trồng chè chuyên nghiệp nên có thể điều tiết về giá thành cũng như sản lượng.
Có thể thấy, việc đầu tư theo hình thức nào cũng đều có những ưu và nhược điểm khác nhau nên thị trường vẫn tồn tại song song hai hình thức trên và các DN vẫn có sự phát triển nhất định. Vì thế, vấn đề ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn hướng phát triển chiến lược của DN. DN nên nhìn thẳng vào thực tế, tự xét năng lực và điều kiện của bản thân, tính toán trong bối cảnh thị trường hiện nay để tìm được phương hướng đúng đắn nhất.
Hương Dịu
Theo baohaiquan.vn