Học tập đạo đức HCM

Con đường đưa hợp tác xã đến với công nghệ cao

Thứ hai - 12/02/2018 10:39
Để phát triển sản xuất lớn, người dân buộc phải tham gia vào hợp tác xã, nhưng nếu hợp tác xã cũng chỉ sản xuất thủ công, không có ứng dụng khoa học công nghệ, không có cơ giới hóa thì cũng khó có thể tăng thu nhập cho xã viên. Chính vì vậy, con đường buộc các hợp tác xã phải đi là đến với công nghệ cao.
 
Sử dụng hệ thống tưới nước tự động để trồng măng tây tại xã An Thọ, huyện An Lão, Hải Phòng. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Do địa hình phức tạp và một số diện tích nằm dải rác nên đến nay Hợp tác xã Hoa Đào tại Sa Pa, Lào Cai mới có được 70% diện tích trong tổng số trên 100 ha được tưới nhỏ giọt. Nhưng cũng chính bởi vậy nên bà Đỗ Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Đào càng nhận thấy rõ hiệu quả, đặc biệt lợi nhuận thu được khi có sự ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Không chỉ là tiết kiệm công lao động mà năng suất hoa, rau củ đã tăng gấp 5 lần so với không áp dụng tưới nhỏ giọt.

Cũng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và có thêm nhà lưới, Hợp tác xã Tân Nông Phát (tỉnh Bình Dương) đã tiết kiệm nguồn nước, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thu lãi 900 triệu đồng. Tưới nhỏ giọt mới chỉ là một khâu rất nhỏ trong quá trình sản xuất cây trồng được ứng dụng công nghệ cao nhưng đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho người dân.

Còn nhiều khâu sản xuất có thể ứng dụng công nghệ cao mà các hợp tác xã đã triển khai cho thấy hiệu quả rất rõ ràng. Chẳng hạn Hợp tác xã Nho Evergreen (Ninh Thuận) đã áp dụng kỹ thuật bao trái bằng túi ni lông, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hòa Phong (Hưng Yên) nuôi thâm canh áp dụng công nghệ “sông trong ao” của Israel cho sản lượng tăng gấp 3 lần so với nuôi thông thường. Nhiều hợp tác xã trồng rau trong nhà lưới ở TP Hồ Chí Minh đã cho doanh thu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha, gấp 2 - 3 lần canh tác theo lối truyền thống.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, tiết kiệm các chi phí như nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng tốt. Khi ứng dụng công nghệ cao, nông dân có thể cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ, có giá bán cao hơn và đạt lợi nhuận cao hơn.

Nhưng trong tổng số 11.668 hợp tác xã nông nghiệp, hiện cả nước có 193 hợp tác xã có ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực sản xuất của hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.

Các xã viên trong hợp tác xã của bà Đỗ Thị Liên mong muốn không chỉ là ứng dụng tưới nhỏ giọt mà còn có thêm nhà lưới, bởi Lào Cai là vùng đất chịu nhiều tác động trước sự biến động mạnh của thời tiết. Khi có nhà lưới, họ có thể sản xuất rau hoa quanh năm để tăng thu nhập. Nhưng theo bà Liên, việc đầu tư này rất khó khăn vì cho đến nay hợp tác xã chưa được vay nguồn vốn ưu đãi nào. Tất cả nguồn vốn đều phải sử dụng sổ đỏ để vay.

Để hợp tác xã tự có nguồn vốn trong đầu tư, ứng dụng khoa học là rất khó. Bởi, vốn bình quân tính theo hợp tác xã cả nước mới trên 1,2 tỷ đồng/hợp tác xã. Doanh thu bình quân của hợp tác xã nông nghiệp là 980 triệu đồng/hợp tác xã/năm.
Vườn rau trồng bằng phương pháp thủy canh hồi lưu tại thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành khoảng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi. Nhưng hiện nay, chưa có hợp tác xã nào được vay từ gói hỗ trợ tín dụng 100.000 tỷ đồng này.

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, những ưu đãi các hợp tác xã có được nhờ các tỉnh đã vận dụng các chính sách hiện hành để hỗ trợ. Đó là: xây dựng thương hiệu, logo, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp; xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất…
 

 

Không chỉ “đói” vốn, hiện nhiều hợp tác xã còn thiếu quỹ đất tập trung để làm công nghệ cao hoặc đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa yên tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Không có thị trường công nghệ và thiếu các tổ chức, cá nhân làm tư vấn cho các hợp tác xã trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao hiện đang đa phần có sự hỗ trợ tư vấn của các tổ chức cơ quan có chức năng chuyển giao công nghệ.

Để cả nước đến năm 2020 có 1.500 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Ma Quang Trung cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường tư vấn và hỗ trợ thông tin công nghệ, thị trường và tổ chức sản xuất; phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ vốn sản xuất cho các hợp tác xã.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, trước hết cần phải tập trung tập huấn để nâng cao năng lực quản trị của các hợp tác xã. Phải hướng dẫn hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm. Bên cạnh đó, triển khai liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất vừa đảm bảo giá trị cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, ứng dụng công nghệ cao không phải là nhà kính, nhà lưới hiện đại hay công nghiệp hiện đại mới là công nghệ cao. Có khi chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cũng là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

“Thời gian tới, các đơn vị chức năng như khuyến nông, trồng trọt… phải đẩy mạnh hơn nữa việc hướng dẫn nông dân chuyển đổi sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ, để làm sao người dân nhận thức được và hiểu được nông nghiệp công nghệ cao là ở đâu và có thể ứng dụng được”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ.
 

 

Bích Hồng (TTXVN)

 Tags: hợp tác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập467
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm461
  • Hôm nay59,836
  • Tháng hiện tại764,949
  • Tổng lượt truy cập90,828,342
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây