Từ sản xuất nông hộ đến tư duy hàng hóa…
Mở đầu cho “cuộc cách mạng” tái cơ cấu nông nghiệp là việc xác lập 12 sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Bên cạnh lúa hàng hóa còn có rau - củ - quả, bưởi Phúc Trạch, chè, cam, lợn, bò, hươu, tôm… Quyết định này chính thức “tuyên bố” phá thế độc canh cây lúa của một tỉnh có diện tích lúa chiếm chủ yếu trong cơ cấu nông nghiệp.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Hà Tĩnh thực hiện tái cấu trúc nông nghiệp trùng thời điểm toàn tỉnh bắt tay xây dựng nông thôn mới. Đây chính là tiền đề để ngành xây dựng đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch và hệ thống chính sách đi kèm nhằm “kích cầu” phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực”. Mấu chốt của vấn đề này chính là chủ thể sản xuất, nông dân trở thành chủ thể của tái cơ cấu nông nghiệp. Chưa bao giờ sản xuất lại được khơi dậy sôi động đến thế.
Dự án sản xuất rau - củ - quả công nghệ cao trên cát mở đầu cho cuộc chinh phục công nghệ sinh học của nền nông nghiệp Hà Tĩnh. |
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm HTX, tổ hợp tác ra đời, đại diện cho chủ thể sản xuất, quyết định sản xuất của mình, tự hạch toán và quản trị kinh tế. Đồng ruộng không còn bị xé lẻ, cơ cấu giống lúa “rút xuống” hơn một nửa chỉ sau hơn 1 năm thực hiện tái cơ cấu. Những mảnh ruộng manh mún, phân tán “nhường sân” cho cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, hàng hóa chất lượng cao.
Trong “cuộc đua” này, Cẩm Xuyên đang giành ngôi vị quán quân khi thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Sau 5 năm, 100% diện tích lúa đồng nhất về giống, thời vụ với những cánh đồng lên đến hàng chục ha. Bộ giống cũng được sàng lọc ngày một chất lượng, nhằm tạo nên thương hiệu lúa gạo Cẩm Xuyên. Điều quan trọng, sản xuất lúa bây giờ không chỉ bó hẹp trong an ninh lương thực mà thực sự theo nhu cầu thị trường”.
Những cái “bắt tay” của nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp (DN) đã tạo nên những giá trị mới trong sản xuất. Không còn những người sản xuất nhỏ lẻ mà trở thành những HTX, tổ hợp tác có chung chí hướng, chung vốn, chung hạch toán lợi nhuận để sản xuất lớn. Chưa bao giờ chăn nuôi lợn lại phát triển mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay. Cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh, đến nay, có 143 cơ sở (quy mô 300-6.000 con/lứa) liên kết với các “ông lớn” như: Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, Công ty CP Việt Nam và Công ty Deheus.
Theo đó, thu nhập của người chăn nuôi cải thiện rõ rệt, bền vững và an toàn hơn. Từ nhu cầu thực tiễn, đầu 2015, tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn nái. Với 14 cơ sở đi vào hoạt động, mức đầu tư mỗi cơ sở ít nhất 10 tỷ đồng, nhu cầu nguồn giống cho quy mô vừa và nhỏ ở các địa phương từng ngày được đáp ứng, khép kín dần chuỗi chăn nuôi liên kết.
Bà Trần Thị Châu - Giám đốc HTX Hoàng Châu (Kỳ Bắc, Kỳ Anh) cho biết: “Trước đây, chúng tôi nuôi lợn thương phẩm là chính. Từ khi có chính sách của tỉnh, tôi đã nâng cấp chuồng trại, thả 350 nái sinh sản liên kết với Mitraco. Đến nay, mỗi năm, trang trại có khoảng 7.200 con lợn cai sữa, đáp ứng nhu cầu giống lợn trên địa bàn. Doanh thu trung bình khoảng 10 tỷ đồng/năm, chúng tôi có thể trả lương cho người lao động 7- 10 triệu đồng/tháng”.
“Cuộc cách mạng” công nghệ cao…
Từ lúc tỉnh ban hành danh mục các sản phẩm chủ lực chính là thời điểm “cuộc cách mạng” công nghệ cao thực sự bắt đầu với mô hình tăng trưởng mới: theo chuỗi giá trị. Nói cách khác là liên kết khép kín từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ. Sự đầu tư mạnh mẽ vào chính sách phát triển công nghệ trong sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm chủ lực của tỉnh không chỉ nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh mà quan trọng hơn là để người nông dân không bị đánh bật ra khỏi guồng quay của sự phát triển, không bị phụ thuộc vào thị trường như trước.
Dự án nuôi cá mú của HTX nuôi trồng thủy sản và kinh doanh tổng hợp Việt Hải, Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) chuẩn bị cho thu hoạch mùa đầu tiên |
Chị Nguyễn Thị Bảy - Giám đốc HTX Sản xuất rau, củ, quả Hằng Bảy (Thạch Văn, Thạch Hà) nói: “Chúng tôi là một mắt xích của chuỗi giá trị. Người nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng của DN, vì thế, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm ra đời đúng với yêu cầu. Bởi thế, chúng tôi cũng được chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ”. Thắng lợi của dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát được coi là chiến dịch mở đầu cho thời đại sản xuất mới. Vụ đông năm nay, diện tích rau, củ, quả được mở rộng lên 400 ha trên toàn tỉnh.
Vào thời điểm này, dự án nuôi cá bơn, cá mú đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch đầu tiên, đánh dấu sự lựa chọn đúng hướng của tái cơ cấu nông nghiệp Hà Tĩnh hiện nay. Cùng với đó, ngày càng nhiều DN tham gia vào nông nghiệp trở thành “nhân tố” dẫn dắt thị trường, nghiên cứu khoa học công nghệ và áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, chính DN sẽ giải được bài toán kinh tế hợp tác. Từ đó, nông dân đã biết tự hợp tác lại, trở thành đối tác và cũng là đối trọng với DN để tiêu thụ nông sản.
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã