Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân mới có thể thụ hưởng thành quả. Tôi có dịp sang Nhật Bản và tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp của họ, chỉ riêng cà chua, năng suất đạt khoảng 600 tấn/ha, còn nước ta chỉ ở mức 60 tấn. Không chỉ năng suất cao, giá bán hàng nông sản Nhật cũng không hề thấp. Chẳng hạn, dưa lưới họ không bán ồ ạt, thậm chí đấu giá từng trái từ 100 - 1.000 yên (khoảng 2 triệu đồng), còn ta thì bán 40.000 đồng/kg.
Ở Nhật Bản, nông nghiệp truyền thống tồn tại song song với nông nghiệp hiện đại. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp Nhật Bản thực tế không cao nên họ chỉ sử dụng cụm từ "công nghệ hiện đại". Ngoài ra, công tác bảo hộ ngành nông nghiệp trong nước cũng được đảm bảo nên việc đưa sản phẩm nhập khẩu vào Nhật cũng trải qua những quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Sau chuyến tham quan những mô hình sản xuất nông nghiệp tại Nhật, tôi nhận thấy một số vấn đề chúng ta cần suy nghĩ. Chẳng hạn như nam giới thường có xu hướng đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới, phát triển công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, còn phụ nữ thì thích làm nông theo cách truyền thống để hạn chế rủi ro. Lực lượng lao động nữ trong lĩnh vực này ở nước ta lại chiếm tỷ trọng lớn nên tác động đến vấn đề đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp.
Thứ hai, ở ta, dù hiện nay có không ít chính sách thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, thông qua nhiều đơn vị khác nhau làm đầu mối, song đa phần tập trung vào hỗ trợ nông dân các yếu tố liên quan đến kỹ thuật nuôi trồng, thiếu định hướng và kiến thức về quản trị, vốn... Đây là vấn đề khó cho khởi nghiệp từ nông nghiệp.
Như các doanh nghiệp trong Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, chỉ số ít đáp ứng được yêu cầu về tiếp cận vốn vay ngân hàng, phần còn lại vốn rất hạn chế, tài sản thế chấp không có. Họ chỉ đáp ứng đầu tư ngắn hạn, còn trung và dài hạn thì không nên sẽ ít nhiều gặp khó khi đề ra các chiến lược đầu tư, sản xuất dài hơi.
Thêm nữa, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nông sản, nhưng lại vướng phải vấn đề cạnh tranh về giá cả. Tôi được biết một doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp với mặt hàng này, bán giá 1,9 triệu đồng/kg và định hướng xuất khẩu sang Nhật nhưng ở Nhật, tỏi đen chỉ có giá khoảng 800.000 đồng/kg. Liệu chúng ta có cạnh tranh lại nông sản nội địa của Nhật khi "mang chuông đi đánh xứ người"?
Trong khu vực nông nghiệp, từ xưa đến nay, người nông dân chỉ quen với việc sản xuất, còn vấn đề đầu ra thì cậy vào thương lái nên vai trò của họ còn hơn cả cơ quan khuyến nông. Điều này cho thấy khiếm khuyết của ta trong vấn đề hỗ trợ nông dân là chỉ ở khâu sản xuất, còn về quản trị thì rất hiếm.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, tôi thấy trong lĩnh vực nông nghiệp, họ đang xây dựng những mô hình mới, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thành ngành công nghiệp thứ 6 trong các ngành công nghiệp của Nhật. Họ áp dụng công thức "1 + 2 + 3 = 6", tức chia nông nghiệp thành 3 khu vực, thứ nhất là khu vực sản xuất, sang khu vực 2 là chế biến và khu vực 3 là phân phối.
Chuỗi giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp xoay quanh quy trình: sản xuất (có vùng nguyên liệu), chế biến và tiêu thụ. Nhật Bản chú trọng vấn đề logistics, đây là mắt xích quan trọng trong bất kỳ ngành nào, đặc biệt là nông nghiệp. Qua đó tôi thấy Nhật Bản giải quyết được hai vấn đề quan trọng thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển là logistics và thương mại, giúp hàng hóa lưu thông dễ dàng, không chịu cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
DNSG