Học tập đạo đức HCM

Cứu lấy những cánh rừng ngập mặn!

Thứ năm - 15/01/2015 23:02
Từ năm 1994, với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, các cấp hội chữ thập đỏ (CTĐ) trên địa bàn Hà Tĩnh đã trồng mới và trồng dặm gần 1.000 ha rừng ngập mặn (RNM). Sau 20 năm, những tưởng diện tích này sẽ thực sự trở thành tấm lá chắn bảo vệ đê kè và sự bình yên cho người dân vùng ven biển trước thảm họa thiên tai, nhưng do nhiều nguyên nhân, diện tích RNM trên địa bàn Hà Tĩnh hiện chỉ còn khoảng 465 ha.

Nguy cơ xóa sổ…

Chuyến công tác về các vùng ven biển để tìm hiểu đời sống dân sinh của bà con nơi cửa sóng vào những ngày cuối năm đã để lại trong chúng tôi nhiều băn khoăn, day dứt, đó là nguy cơ biến mất của RNM. Nhìn trên bản đồ, sắc xanh RNM đang dần bị thu hẹp và không ít nơi đã hoàn toàn biến mất.

Cứu lấy những cánh rừng ngập mặn!

Diện tích rừng ngập mặn ở đê Đồng Môn (Thạch Đồng) đang dần bị thu hẹp.

Ông Trần Văn Tình - Chủ tịch Hội CTĐ huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Ước tính cả trồng mới và trồng dặm thì diện tích RNM ở Cẩm Xuyên có khoảng 323 ha, trải dài trên địa bàn 7 xã vùng ven biển. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng còn sống và phát triển chỉ còn khoảng 50 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do cây trồng không phù hợp với thổ nhưỡng, triều cường; sâu bọ phá hại. Phần còn lại là do không có kinh phí bảo vệ, một số nơi còn thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng chưa cao”.

Cùng một nỗi lo, bà Trần Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Thạch Hà cho biết: Tổng diện tích RNM của huyện trước đây khoảng 250 ha nhưng nay chỉ còn 90 ha. Hiện tại, Thạch Sơn là xã có diện tích RNM phát triển lớn nhất ở Thạch Hà với khoảng 70 ha. Tuy nhiên, sự may mắn này là cá biệt, bởi theo người dân địa phương, rừng ở đây chủ yếu phát triển tự nhiên. Hơn nữa, khu vực này xa nơi chăn thả trâu, bò; quá trình ngọt hóa sông Nghèn khiến lượng hải sản giảm nên hạn chế được tình trạng thuyền bè vào khai thác.

Nằm cạnh Thạch Sơn nhưng RNM ở Thạch Long lại có số phận bi đát. Tính cả diện tích trồng mới và trồng dặm, RNM nơi đây có 15 ha, tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng và một số người dân chặt cây để cho thuyền bè vào ra… nên đến nay chỉ còn 3-4 ha. Tuy vậy, “số phận” diện tích rừng này cũng bấp bênh bởi người dân địa phương đang ý định thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Trung Hoa - người từng làm công tác bảo vệ RNM ở xã Thạch Long băn khoăn: “Từ khi có RNM và đê ngăn mặn, người dân vùng sông nước như chúng tôi không còn phải lo lắng nhiều mỗi khi nghe đài báo bão, bởi đã có rừng che chở. Nhưng, do không được bảo vệ, chăm sóc nên diện tích ngày càng bị thu hẹp. Với tình trạng này thì chỉ một thời gian ngắn nữa, chắc rằng, RNM ở Thạch Long sẽ bị xóa sổ”.

Nỗi lo của người dân hưởng lợi không phải là không có căn cứ bởi trên thực tế, có rất nhiều địa phương như Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), Thạch Kênh (Thạch Hà)… với diện tích trồng mới và trồng dặm lên đến hàng chục ha nhưng nay đã bị xóa sổ hoàn toàn. Còn ở các xã có RNM, diện tích cũng chỉ còn 30-40%.

Chung tay cứu rừng

Về những khó khăn trong công tác bảo vệ RNM, bà Trần Thị Thanh cho biết: “Từ sự hỗ trợ của dự án, hội có nhiệm vụ trồng rừng và trả tiền công chăm sóc, bảo vệ đến khi cây phát triển. Sau 3 năm khi dự án kết thúc, rừng được giao lại cho địa phương hưởng lợi quản lý. Thế nhưng, khi kinh phí không còn, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm thì vấn đề bảo vệ và phát triển RNM vẫn đang là bài toán khó”.

Được biết, thời gian qua, Chính phủ đã có văn bản về việc công nhận RNM là một thực thể rừng. Thế nhưng, đến nay, ở Hà Tĩnh, các ngành chức năng vẫn chưa có sự quan tâm vào cuộc nên công tác bảo vệ và phát triển diện tích RNM gặp nhiều khó khăn. Một số người dân chưa hiểu hết tầm quan trọng của RNM; những hành động chặt phá rừng vẫn còn diễn ra. Thêm vào đó, nạn sâu bệnh phá hại cũng là một trong những mối đe dọa sự sinh tồn của những “bức tường xanh”.

Ông Nguyễn Trung Hoa (Thạch Long) cho biết: “Khi cây chết hàng loạt, chúng tôi đã báo cáo với hội cấp trên và cũng đã có đoàn cán bộ về lấy các mẫu đất, nước, sâu bọ... để nghiên cứu nhưng cuối cùng không thấy họ quay lại. Người dân đành bó tay khi kinh phí trồng dặm không có, việc tìm kiếm giống cũng hết sức khó khăn”. Trong lúc các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền vẫn chưa có động thái nào thì RNM vẫn đang từng ngày, từng giờ chết dần, chết mòn; người dân vùng ven sông vẫn phải đối mặt với nỗi lo xói lở đê điều, triều cường khi mùa mưa bão đến.

Trong chuyến đi của mình, chúng tôi thấy le lói niềm hy vọng trước sáng kiến của xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) trong công tác bảo vệ rừng. Chủ tịch Hội CTĐ xã Lê Thanh Toàn cho biết: “Tổng diện tích trồng mới và trồng dặm RNM của chúng tôi là 36 ha, do chất đất, triều cường và độ mặn nên hiện chỉ còn 26 ha, nhưng phát triển rất tốt. Có được điều này, một phần do ý thức của người dân, nhưng điều quan trọng là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương”.

Cách làm của xã Cẩm Lộc hết sức đơn giản, đó là giao cho 3 hộ dân trực tiếp quản lý, khai thác thủy, hải sản tự nhiên và bảo vệ rừng. Mỗi năm, xã trả mỗi hộ 150-200 kg thóc và cứ 2 năm lại thay đổi người quản lý. Ngân sách bỏ ra không nhiều, nhưng sự quan tâm ấy cùng với ý thức về tầm quan trọng từ những cánh rừng chắn sóng là động lực để người dân nơi đây hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thiết nghĩ, bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết vẫn là sự vào cuộc của chính quyền địa phương và ý thức của người dân vùng hưởng lợi, có như thế, RNM mới có thể tránh được nguy cơ bị xóa sổ.

Thúy Ngọc - Phan Trâm
Theo baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập141
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại869,827
  • Tổng lượt truy cập90,933,220
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây