Hiệu quả bước đầu
Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP đối với lĩnh vực cá tra, NHNN đã phê duyệt cho hai doanh nghiệp Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) và Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An (An Giang) thực hiện hai dự án liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra với tổng số tiền 1.642 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến nay 1.346 tỷ đồng, chiếm trên 80% tổng số tiền cam kết cho vay.
Riêng Công ty TNHH Hùng Cá, dư nợ cho vay đến 31/12/2014 là 1.045,86 tỷ đồng, đạt 74,33% hạn mức được phê duyệt. Đối với 306 hộ dân thực hiện mô hình liên kết nuôi, sản lượng cá dự kiến thu mua khi thu hoạch 240 tấn/ha/năm, lợi nhuận chia cho hộ dân ước tính 70 tỷ đồng/năm (theo đề án); đối với 20 hộ dân thực hiện mô hình liên kết 3 bên (cung ứng thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật), lợi nhuận chia cho 20 hộ dân ước tính 29 tỷ đồng/năm.
Trong mô hình này, lợi ích mà doanh nghiệp có được là đã tạo ra những vùng sản xuất lớn để có điều kiện sản xuất cùng một loại giống, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để tăng năng suất lao động. Giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất theo đúng kế hoạch, từ đó loại bỏ được tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất, phải mua nguyên liệu với giá cao làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường...
Tham gia chuỗi liên kết, người nuôi, doanh nghiệp cá tra đều được lợi - Ảnh: Quang Quyết
Đối với nông dân, có thể nhận thấy những lợi ích mang lại khi tham gia chuỗi liên kết: Được các doanh nghiệp đầu mối hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; Được cung cấp đủ giống, vật tư phục vụ sản xuất và ngay cả ứng trước tiền trang trải sinh hoạt phí; Thu nhập cao hơn do hiệu quả sản xuất được nâng lên và ở một số nơi nông dân đã trở thành công nhân nông nghiệp với thu nhập ổn định.
Sau một năm triển khai, chương trình cho vay thí điểm đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn sản xuất nông nghiệp hiện nay, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ. Việc ban hành và triển khai thực hiện cho vay thí điểm đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong suốt những năm trước đây đối với hoạt động nuôi cá tra: Tạo điều kiện cho việc xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ giữa nông dân nuôi cá và doanh nghiệp chế biến để sản phẩm cá tra phát triển ổn định, bền vững; Giải quyết được khó khăn về vốn sản xuất, về việc không đủ tài sản bảo đảm để vay vốn nuôi cá.
Bên cạnh đó, việc cho vay thí điểm tạo thuận lợi lớn cho người nuôi cá, doanh nghiệp chế biến, giúp họ chủ động đàm phán với doanh nghiệp cung ứng thức ăn nuôi cá để được ưu đãi với giá thấp hơn giá thị trường; hưởng mức chiết khấu cao hơn; phương thức giao nhận hàng hóa, hình thức và thời gian thanh toán thuận lợi hơn. Từ đó giúp họ chủ động hơn trong hoạt động nuôi cá và chế biến, góp phần giảm giá thành và tăng hiệu quả sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra.
Doanh nghiệp và người nuôi đều lợi
Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, qua mô hình liên kết, doanh nghiệp thuận lợi hơn về nguồn nguyên liệu và nông dân tham gia chuỗi đảm bảo được lợi nhuận nên thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục đề nghị mở rộng thêm các hộ dân tham gia chuỗi.
Không chỉ doanh nghiệp nhìn thấy hướng mở và lợi ích từ chuỗi liên kết mà chính người nông dân cũng đã nhìn nhận được vấn đề. Ông Nguyễn Văn Tấn, nông dân tham gia chuỗi liên kết nuôi cá tra với Công ty Hùng Cá cho biết: Nếu so sánh giữa nuôi cá tự do với nuôi theo mô hình liên kết chuỗi thì mô hình liên kết chuỗi thực sự bền vững, bởi khi tham gia nông dân không sợ mua phải thức ăn kém chất lượng mà giá lại tốt nhất.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN Việt Nam, với nỗ lực của toàn ngành ngân hàng, dư nợ cho vay đối với ngành cá tra đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dư nợ cho vay nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá tra tăng đều qua các năm với tỷ lệ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 15% và chiếm khoảng 45% tổng dư nợ cho vay thủy sản cả nước. Đến 30/6/2015, dư nợ cho vay lĩnh vực này khoảng 25.500 tỷ đồng, tăng 6,25% so cuối năm 2014. Những tỉnh, thành phố có dư nợ cho vay nuôi, thu mua chế biến cá tra lớn là Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long.
>> Không chỉ doanh nghiệp nhìn thấy hướng mở và lợi ích từ chuỗi liên kết mà chính người nông dân cũng đã nhìn nhận được vấn đề. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã