Làng quê khởi sắc từng ngày
Ông Phan Năm - Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, xã nằm ở vùng B của huyện Đại Lộc. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vùng B là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng, cũng là nơi diễn ra chiến tranh ác liệt nhất, phải gánh chịu rất nhiều bom đạn của kẻ thù. Sau ngày thống nhất đất nước, Đại Minh nói riêng và các xã ở Vùng B của huyện Đại Lộc nói chung chỉ còn là những cánh đồng hoang tàn, đổ nát.
Làng nghề truyền thống làm trống Đông Yên ở Đại Minh ngày càng phát triển và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Đ.H
Theo ông Năm, kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của cha anh đi trước, sau ngày giải phóng, cán bộ và nhân dân xã Đại Minh đã nhanh chóng bắt tay ngay vào việc tháo gỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh để khai hoang, phục hóa đất cho sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân. Đặc biệt, bước sang thế kỷ XXI, Đại Minh cùng với cả nước bước vào thời kỳ xây dựng mới, phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh về kinh tế, đời sông văn minh và hiện đại hơn. Trên nền tảng truyền thống, cách mạng tốt đẹp đó, Đại Minh tiếp tục phát huy thế mạnh nội lực, tự tin vững bước phát triển đi lên.
“Xuất phát điểm của Đại Minh rất thấp, đa phần người dân sống chủ bằng sản xuất nông nghiệp. Ban đầu Đại Minh không phải là xã điểm, tuy nhiên với việc triển khai NTM quyết liệt, hiệu quả và sáng tạo, có lộ trình cụ thể nên đến cuối năm 2013, xã được được UBND tỉnh Quảng Nam chọn vào danh sách xã đạt chuẩn năm 2015. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Minh xác định đây là thời cơ thuận lợi để địa phương tiếp tục đà phát triển đi lên về mọi mặt. Vì vậy, để thực hiện thành công chương trình, thời gian qua xã đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc quyết liệt, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần…” – ông Năm chia sẻ.
Qua hơn 6 năm xây dựng NTM, Đại Minh đã đầu tư hơn 102 tỷ cho hạ tầng cơ sở, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp 14,276 tỷ đồng, vốn đóng góp của nhân dân, các doanh nghiệp và vốn tín dụng là 69,511 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Từ nguồn vốn này, xã đã đầu tư, nâng cấp và bê tông hóa được 17,7km đường trục xã, 7,67km đường trục thôn xóm, xây dựng được 8,4km đường trục chính nội đồng, trên 12km kênh mương được kiên cố… Đặc biệt, xã đầu tư hàng loạt công trình về trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Các khu nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, khu thể thao cũng được đầu tư mới khang trang bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân...
Lão nông Châu Văn Hai trú thôn Ấp Nam, xã Đại Minh chia sẻ, những năm qua, thực hiện chủ trương về xây dựng NTM của cấp trên, với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, nhân dân trong thôn Ấp Nam đã tích cực vào cuộc, tự đóng góp công sức, tiền của để thực hiện các hạng mục của các tiêu chí NTM. Nhờ đó, bộ mặt của thôn ngày càng đổi thay nhanh chóng.
Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương mình, ông Trần Đình Mười – Trưởng thôn Đông Gia cho biết, nhân dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, như sân vận động, nhà văn hóa, đường giao thông… Nhờ đó đường sá trong thôn bây giờ được bê tông hóa; kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; hệ thống điện, đường, cơ sở vật chất văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp…
Tiếp tục nâng chất các tiêu chí
Hạ tầng về cơ sở vật chất, đường giao thông nông thôn ở Đại Minh được bê tông hóa khang trang. Ảnh: Trần Hậu
Cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng của Đại Minh nhờ vào NTM, Chủ tịch UBND xã - ông Phan Năm khẳng định, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng NTM. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, Đảng ủy, UBND xã chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhờ đó đã tạo sự chuyển biển mạnh mẽ về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã Đại Minh đã chú trọng xây dựng được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi rất hiệu quả, như: Trồng bí xanh, khổ qua, đậu côve, mướp trái vụ; các mô hình cải tạo vườn tạp, sản xuất lúa giống cấp I, xây dựng phướng án cánh đồng mẫu trên đất lúa và đất màu... Từ một vài ha ban đầu, hiện nay nông dân Đại Minh đã có 2 cánh đồng chuyên canh lúa giống (nằm ở thôn Phú Mỹ và Phước Bình), mỗi năm sản xuất đến 160ha, thu nhập cao gấp rưỡi, gấp đôi so với làm lúa ăn bình thường.
Ngoài cây lúa, bà con cũng triển khai những vùng chuyên canh cây màu hiệu quả khác, trong đó phải kể đến cây đậu xanh, thuốc lá, dưa hấu, cây lạc... Ngoài thế mạnh trồng trọt, Đại Minh còn chú trọng đến chăn nuôi heo, bò, gà, vịt… trong đó tiêu biểu như hộ anh Lê Văn Nhân, Phạm Ngọc Trung nuôi trên 300 con lợn/hộ, trừ chi phí thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, Đại Minh cũng phát huy được các tiềm năng, lợi thế của một xã trung tâm vùng B Đại Lộc, hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, có tuyến đường ĐH3, ĐH4 chạy qua để phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu hàng hóa giữa các khu vực. Thương mại - dịch vụ của xã có bước phát triển đáng kể và tăng dần lên qua từng năm. Hiện toàn xã có trên 100 hộ kinh doanh buôn bán, giải quyết được một lượng lớn lao động cho địa phương, đồng thời tăng thu nhập cho người dân. Nhờ đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 41% trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Hiện nay, Đại Minh đã quy hoạch được cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phục hồi được nhiều ngành nghề truyền thống: Như nghề làm trống Đông Yên, mây tre, bánh tráng, giày da, may mặc… Những hoạt động này đã và đang góp phần giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Củng cố, xây dựng các tiêu chí ngày càng bền vững Ông Phan Năm nhớ lại, xã Đại Minh triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong thời điểm gặp nhiều khó khăn, thách thức. Là xã có điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng còn hạn chế và qua rà soát ban đầu xã mới chỉ đạt được vài tiêu chí. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo, hiệu quả và sự quyết tâm cao của toàn thể cán bộ đảng viên, nhân dân xã Đại Minh, sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài xã... nên đã giúp cho Đại Minh hoàn thành các tiêu chí NTM và xã đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015. |
Tác giả bài viết: Trần Hậu - Trương Hồng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã