Hình thành khu nông nghiệp CNC
Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NNPTNT TP. Đà Nẵng chia sẻ: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) là xu thế của hội nhập phát triển. Đối với TP. Đà Nẵng, trong điều kiện hạn chế về quy mô diện tích đất nông nghiệp (NN) và định hướng phát triển NN đô thị thì phát triển NNCNC, NN sạch là hướng đi tất yếu đảm bảo tính hiệu quả kinh tế cao và phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Ban nhấn mạnh.
Nông dân tham quan mô hình sản xuất rau khép kín theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở Đà Nẵng.
Ảnh: Đoàn Hồng
Theo ông Nguyễn Phú Ban, cùng với các chính sách của trung ương, HĐND TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư NNCNC, NN sạch trên địa bàn thành phố.
Hiện Đà Nẵng đã quy hoạch vùng, khu NNCNC, phê duyệt danh mục 7 vùng thu hút đầu tư NNCNC, diện tích quy hoạch hơn 500ha, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng CNC, nuôi trồng thủy sản, đang tập trung công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào NNCNC, NN sạch và bước đầu đã có 7 nhà đầu tư tiếp cận, xúc tiến triển khai các dự án đầu tư.
Đối với khu NNCNC đã hoàn thành xong công tác quy hoạch, chọn địa điểm, đang triển khai lập đề án trình phê duyệt và thành lập Khu NNCNC diện tích 117ha tại Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Những mô hình bắt đầu “đẻ” tiền tỷ
Hiện có khoảng 10 mô hình chăn nuôi heo thịt theo công nghệ chuồng lạnh khép kín, bình quân mỗi trang trại từ 800 - 1.000 heo thịt giống ngoại, tập trung chính ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang để cung cấp heo thịt cho Công ty CP Việt Nam. Đây là mô hình liên kết sản xuất 3 nhà “Nhà nước - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp”, giải quyết 3 vấn đề cơ bản khi nông dân liên kết với doanh nghiệp về “con giống, thức ăn, thuốc thú y - kỹ thuật - đầu ra”.
“Mô hình khép kín này đã thực hiện ứng dụng CNC từ khâu con giống, chuồng trại, cung cấp thức ăn, xử lý chất thải, đặc biệt là công nghệ chuồng lạnh trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể…”, ông Ban chia sẻ.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn nhiều mô hình điểm “đẻ” tiền tỷ như: Trang trại sản xuất rau ăn lá, ăn quả an toàn Tâm An Farm được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 1,5ha và đã tự đầu tư lắp đặt mới thêm 1,5ha; Mô hình trồng rau ăn quả ứng dụng CNC của Công ty TNHH Gia Khang Phát tại Phú Sơn Nam - Hòa Khương quy mô 1.000m2. Mỗi lứa trồng thu được khoảng trên 3.000 quả dưa lưới, ước lợi nhuận đạt 30 - 50 triệu đồng/lứa trồng.
“Bên cạnh đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ được ngành nông nghiệp và Hội Nông dân thành phố phối hợp thực hiện trong nhiều năm. Qua gần 4 năm triển khai, đến nay đã hình thành được trên 140ha tại 6 vùng sản xuất lúa chất lượng theo quy trình sản xuất lúa hướng hữu cơ thực hiện theo nguyên tắc 3 không: “không thuốc diệt cỏ, không phân hóa học, không thuốc BVTV” tại Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Phước, huyện Hòa Vang và Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Hiện đã có 20ha diện tích sản xuất lúa hướng hữu cơ tại Hòa Tiến đã được chứng nhận VietGAP”, ông Ban cho biết.
“...phải làm cho hay”
Ông Nguyễn Phú Ban cho biết thêm: Một số vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất NNCNC mặc dù đã được quy hoạch nhưng vẫn chưa xác định được ranh giới cụ thể dẫn đến tính bền vững không cao. Đến nay, TP vẫn chưa có DN được công nhận là DN ứng dụng CNC theo tiêu chuẩn của Bộ NNPTNT.
Theo ông Ban, chưa có sự gắn kết giữa nhà khoa học, Nhà nước, nhà DN và nhà nông. “Liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa gắn với thị trường tiêu thụ dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu, “được mùa thì mất giá”. Cái quan trọng, nói thì ai nói cũng hay, nhưng phải làm cho hay, cho đúng mục đích, mấu chốt làm sao nông dân được hưởng lợi”, ông Ban lý giải.
Ông Ban đề ra giải pháp: “Thời gian tới, ngành NN Đà Nẵng sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế. Tập trung tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng NTM. Tổ chức sản xuất NN phù hợp về quy mô và điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng và chương trình Mỗi xã một sản phẩm”.
Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: Cần có cơ chế đặc thù riêng
Lâu nay chưa có cơ chế đặc thù riêng cho khu NNCNC và chưa có các chính sách cụ thể hỗ trợ, cũng như xác định được công nghệ phù hợp nên hạn chế trong công tác thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay, mô hình NNCNC, sản xuất quy mô lớn cần vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư hạ tầng và kêu gọi thu hút đầu tư. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm NNCNC còn manh mún, bấp bênh, chưa bền vững dẫn đến DN và nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này... |
Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị:
Hiện nay chưa có quy hoạch vùng sản xuất NNCNC nên các địa phương đang lúng túng. Việc xây dựng các mô hình đôi khi còn thiếu cân nhắc kỹ giữa lợi ích và chi phí do rủi ro, nhất là tại các địa bàn thường xuyên chịu thiên tai. Việc tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào DN, tuy nhiên hầu hết các mô hình nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa có đầu ra ổn định. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã