Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 7 với việc khẳng định sức lan tỏa và tình cảm của người tiêu dùng với hàng nội ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, lâu nay doanh nghiệp trong nước mới chỉ tập trung quảng bá hình ảnh của mình tại các thành phố lớn mà “bỏ quên” thị trường rộng lớn và tiềm năng tại khu vực nông thôn.
Đây chính là câu trả lời cho bài toán vì sao các mặt hàng của Trung Quốc cũng như hàng giả kém chất lượng vẫn tràn ngập và xâm chiếm thị phần ở nông thôn.
Cùng với tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống của đại bộ phận người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể. Đã không còn hình ảnh những ngọn đèn le lói mỗi khi đêm xuống hay cảnh chị em đứng hàng dài giặt chiếu nơi giếng làng.
Thay vào đó họ sẵn sàng mua ti vi, tủ lạnh, bếp ga và thậm chí cả máy giặt để phục vụ đời sống hàng ngày.
Đặc biệt hơn đây còn là khu vực giữ 62,5% tổng GDP và có số lượng khách hàng sẵn sàng tiêu dùng nhiều gấp 3 lần khu vực thành thị.
Không những thế, hiện số người có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn ngày càng tăng, do đó nhu cầu mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng tăng theo.
Có lẽ vì vậy mà nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp phải loại bỏ ngay quan niệm thị trường nông thôn chỉ dành cho các sản phẩm rẻ tiền bởi đây là khu vực có thu nhập thấp.
Trong khi đó, tại các vùng ven đô Hà Nội như Thạch Thất hay Chương Mỹ còn tràn lan các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Người tiêu dùng do chưa có ý thức quan tâm đến sức khỏe bản thân nên thường so sánh về giá để rồi nâng lên đặt xuống những sản phẩm đảm bảo chất lượng hơn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra ái ngại khi mang hàng về lưu thông tại khu vực này.
Thống kê từ Ban chỉ đạo Cuộc vận động cho thấy, việc các doanh nghiệp mặn mà với thị trường nông thôn nếu có vẫn chỉ tập trung ở khu vực doanh nghiệp nhỏ.
Còn lại các doanh nghiệp lớn xây dựng được hệ thống phân phối, các đại lý, điểm bán hàng cố định tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa không nhiều.
Đơn cử như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một trong số ít doanh nghiệp chú trọng đầu tư xây dựng các điểm bán hàng tại một số tỉnh, thành, song vẫn chỉ tập trung ở khu vực thành thị là chính. Việc đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa mới chỉ dừng lại ở các chương trình bán hàng lưu động.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thẳng thắn thừa nhận, mặc dù các doanh nghiệp đã rất cố gắng trong việc cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để nâng cao cạnh tranh, tiện ích đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và chú trọng thị trường nông thôn hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một con số không nhỏ các doanh nghiệp vẫn còn "bỏ ngỏ" bởi lẽ họ cho rằng, thay vì xuất khẩu cả lô hàng sang thị trường nước ngoài họ lại phải ngồi cả ngày để bán từng sản phẩm, xây dựng cả mạng lưới phân phối mà không thu hiệu quả cao.
Không thể phủ nhận, việc đưa hàng về nông thôn thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định.
Song bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tỏ ra ái ngại nếu chỉ dừng lại ở phong trào, thực hiện bằng những chuyến hàng lưu động và tồn tại trong một thời điểm thì thị trường nông thôn lại bị bỏ ngỏ sẽ tất yếu dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp trong nước để tuột mất thị trường đầy tiềm năng này.
Bởi vậy, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, để doanh nghiệp có thể khai thác tốt thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà quản lý trong việc giúp họ xây dựng hệ thống phân phối qua các đại lý, cửa hàng ở từng địa bàn chứ không chỉ dừng lại ở những chuyến hàng lưu động "đến rồi đi”.
Ông Phạm Văn Hợp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Thái Bình cho biết, để hàng Việt tới gần hơn với thị trường nông thôn, mới đây Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn huyện Quỳnh Phụ.
Dù quy mô của chương trình còn nhỏ, thời gian chỉ kéo dài 3 ngày nhưng đã thu hút được rất đông người tiêu dùng tham gia.
Con số doanh thu và mức độ quan tâm của người tiêu dùng cho thấy, nhận thức của người dân về ưu tiên sử dụng hàng của các doanh nghiệp trong nước ngày càng cao.
Không chỉ là các chuyến bán hàng đơn thuần phục vụ người tiêu dùng, theo ông Phạm Văn Hợp, các doanh nghiệp tham gia phiên chợ đã sử dụng hiệu quả các chuyến hàng để quảng bá cho sản phẩm của mình.
Đơn cử như Công ty TNHH May Hưng Nhân đã giảm giá sản phẩm từ 40 - 50% để thu hút người dân đến mua sắm.
Nhờ đó, chỉ tính riêng phiên chợ đưa hàng Việt về xã An Dục (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), công ty đã bán được hàng trăm sản phẩm, doanh thu đạt trên 30 triệu đồng.
Công ty cũng không giấu tham vọng sẽ gửi hàng về đại lý tại các khu chợ hoặc xa hơn là xây dựng những đại lý phân phối ở sâu hơn các khu vực dân cư nông thôn.
Còn theo ông Trần Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc nhận định: Đây là thời điểm tốt nhất để tập trung khai thác thị trường nông thôn.
Trước đây, các doanh nghiệp nghĩ rằng, phải lấy hàng chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn để có lợi nhuận lớn.
Nhưng thời điểm này, nền kinh tế gặp khó khăn thì cần thiết phải thay đổi cách thức, bây giờ phải đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, lấy số lượng làm trọng.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tìm lại thị trường nội địa rộng lớn vốn bị quên lãng bấy lâu do các doanh nghiệp chỉ tập trung vào xuất khẩu.
Theo bà Lê Việt Nga, bước sang giai đoạn mới, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp khó hơn để hàng Việt “thấm sâu” vào tâm trí người tiêu dùng Việt.
Tuy vậy, thách thức lớn nhất là sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Trong khi đó, mục tiêu của giai đoạn tới là phải đưa hàng Việt phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.
Do vậy, để xích gần khoảng cách giữa hàng Việt với thị trường nông thôn thì không còn cách nào khác là Nhà nước và doanh nghiệp phải "bắt tay"’ cùng phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh.
Đây có thể coi như những thành công bước đầu khẳng định tính thuyết phục của cuộc vận động, chủ động hành trang để bước vào hội nhập quốc tế./.
Theo Uyên Hương/bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã