Rót tiền đón xu hướng
Trong hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, Vingroup đã đầu tư vào VinEco Hà Nam gần 300 tỷ để sản xuất nông sản theo mô hình khép kín, từ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản đến chế biến, vận chuyển được thực hiện theo quy trình tiên tiến của Israel, Hà Lan, Nhật Bản.
Nắm bắt nhu cầu sử dụng thực phẩm organic, trong đó có sữa tươi, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho trang trại bò sữa tiêu chuẩn châu Âu tại Lâm Đồng.
Theo bà Mai Kiều Liên - TGĐ Vinamilk: "Vinamilk đã phải mất nhiều năm để tìm ra vùng đất thích hợp cho đàn bò sữa nuôi thả tự nhiên. Nếu so với đầu tư trang trại bò sữa bình thường, đầu tư trang trại bò sữa organic tốn kém hơn nhiều. Với cách chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, sản lượng sữa cũng sẽ thấp hơn, trong khi nhân công và diện tích trang trại lớn hơn. Bò giống organic phải có sức đề kháng cao để thích nghi với điều kiện chăn thả tự do trên đồng cỏ giống mombasa và seedmix được nhập khẩu giàu dinh dưỡng và có sức chống chọi tốt với mầm bệnh. Đất ở trang trại phải trải qua giai đoạn chuyển đổi để trở về hoàn toàn tự nhiên, tức không còn dư lượng phân bón và thuốc trừ sâu bằng hóa chất".
Mới đây, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng (NutiFood) trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cà phê Phước An (tỉnh Đắk Lắk) để sản xuất cà phê sạch đưa ra thị trường thế giới.
Chính thức bước vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào cuối năm 2016, ông Nguyễn Lâm Viên - TGĐ Công ty CP Vinamit (Vinamit) cho rằng: "Có 3 lý do để Vinamit quyết định đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, cụ thể là sản xuất sản phẩm organic. Thứ nhất, xu hướng con người ngày càng hướng đến sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Thứ hai, Vinamit muốn chứng minh sản phẩm của Công ty là hoàn toàn sạch. Thứ ba, orgnic là tiêu chuẩn khắt khe và cũng là con đường để các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đi vào thị trường thế giới".
Cũng theo ông Lâm Viên, Việt Nam mới đi theo hướng nông nghiệp hóa học gần 20 năm nên bây giờ quay lại nông nghiệp hữu cơ vẫn nhanh hơn nhiều nước. Nghiên cứu của các nhà nông học cho thấy, nông nghiệp hữu cơ có thể cho năng suất cao như nông nghiệp hiện đại, nhưng nông dân không phải tiếp xúc với mối nguy hại hóa học.
Ảnh minh họa: Nguyễn Ngọc Hải |
Nhiều năm qua, nhiều loại nông sản của Việt Nam như gạo, rau quả, thủy sản đã bị mang tiếng xấu vì "chưa sạch" hoặc dư lượng thuốc trừ sâu nên nhiều nước từ chối nhập khẩu. Ở trong nước, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch là rất lớn.
Đó cũng là sự trăn trở của bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH và cũng là giấc mơ phát triển thương hiệu rau quả, dược liệu hữu cơ ra thị trường thế giới. Vì vậy, từ chuyên sản xuất sữa, TH đã mở rộng sang lĩnh vực trồng rau củ trong khu vực trang trại, nhà máy sản xuất sữa hơn 8.000ha tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.
TH đầu tư 35 triệu USD vào vườn mở (thực phẩm hữu cơ) và vườn nhà kính (theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP). Trước đó, TH đã đầu tư 132 triệu USD để sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa hữu cơ tại tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng. Hiện nay, các trang trại rau củ quả của TH đã cho thu hoạch 8 - 10 tấn/ngày.
TH Herbals của TH được đầu tư 2.830 tỷ đồng, bước đầu sản xuất được 5 loại dược liệu hữu cơ gồm quả gấc, rau má, lá hồng, quả hồng và lạc tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ để sản xuất dòng sản phẩm Total Happiness Naturals mang thương hiệu TH.
Từng gắn tên tuổi với ngành sản xuất ô tô, Công ty CP Ô tô Trường Hải đã đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thông qua hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng tổ hợp nông nghiệp sạch tại miền Bắc, khép kín từ khâu trồng, thu hoạch chế biến, vận chuyển.
Nhiều triển vọng
Mặc dù mới có sản phẩm vào 2 tháng cuối năm 2015 nhưng VinEco đã đạt doanh thu 34 tỷ đồng, năm 2016 đạt 354 tỷ đồng (tăng 1,055%). Năm 2017, VinEco đặt kế hoạch doanh thu 2.250 tỷ đồng (tăng 637% so với 2016). Ước tính mỗi ngày VinEco cung cấp cho thị trường 100 tấn rau củ quả sạch với hơn 300 chủng loại tại gần 1.000 cửa hàng VinMart, VinMart+ và bán cho nhiều nhà hàng, khách sạn, bếp ăn các khu công nghiệp.
Đánh giá về hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông Lâm Viên cho biết, một kg lúa trồng theo công nghệ hữu cơ có giá gấp 3 lần so với lúa thông thường.
Với gần 20 tỷ đồng đầu tư vào Cỏ May Essential để sản xuất nấm rơm sạch, ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc Công ty Cỏ May tiết lộ: "Giá nấm rơm sạch có thể đạt 140.000 đồng/kg. Ngoài việc cung cấp nấm rơm tươi, Cỏ May Essential có nguồn nguyên liệu để sản xuất nước chấm và bột nêm".
Trước thực trạng năng suất mía của Việt Nam rất thấp, chỉ đạt khoảng 62 tấn/ha, trong khi thế giới đạt khoảng 120 tấn/ha, chữ đường trong cây mía của Việt Nam cũng thấp, chỉ ở mức 5,4 tấn/ha, thua xa cây mía Thái Lan với hơn 8 tấn/ha, Úc gần 12 tấn/ha, đặc biệt, chi phí canh tác mía của Việt Nam lên tới 50 - 55 USD/ha, trong khi Thái Lan 30 USD, Úc 16 USD, Brazil 13 USD.
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công để nghiên cứu tạo ra bộ giống mía đặc thù, năng suất cao của Việt Nam, tìm ra công nghệ canh tác tiên tiến rồi chuyển giao cho nông dân.
Ông Thành khẳng định: "Nếu có giống tốt và trồng mía, sản xuất đường đúng quy trình công nghệ, không chỉ Thành Thành Công mà tất cả DN mía đường không sợ cạnh tranh với giá đường nước ngoài, cây mía Việt Nam sẽ có vị thế nhất định trên thị trường thế giới".
Bà Mai Kiều Liên cũng khẳng định: "Với nguyên liệu sữa organic, không bao lâu nữa Vinamilk sẽ sản xuất sữa cao cấp bán ra thị trường thế giới".
Tương tự, bà Thái Hương cho biết: "Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào trang trại chăn nuôi bò sữa, sản lượng sữa đã đạt trung bình 30 lít sữa/con/ngày và trong tổng đàn bò 45.000 con, TH có gần 1.000 con chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, có thể gieo trồng hàng trăm ha và thu hoạch hàng ngàn tấn rau quả sạch trong một ngày, tiết kiệm rất lớn chi phí và nhân lực.
Đơn cử, với 200ha ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bò, TH chỉ đầu tư 7 chiếc máy tưới center pivot với chi phí từ 2.000 - 10.000 USD cho một ha nhưng có thể dùng đến 30 năm".
Ông Lâm Viên cũng chia sẻ: "Vinamit đã thành lập trung tâm nuôi cấy vi khuẩn phục vụ trồng trọt theo công nghệ cao nên giá rẻ hơn giá thị trường vài lần".
Chọn cách làm
Theo ông Lâm Viên, đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ về lâu dài đem lại doanh thu cao nhưng phải tốn rất nhiều công sức, tiền của, nguồn thu lại chậm. Làm nông nghiệp hữu cơ không thể nóng vội bởi quy trình nuôi đất, thu hoạch và chế biến đều rất khắt khe, trong khi nguồn nguyên liệu cũng khó kiếm và nếu có cũng khó đáp ứng số lượng lớn. Ví dụ như muốn nuôi heo rừng organic thì không dễ tìm được heo bố mẹ hữu cơ, nghĩa là heo không ăn cám công nghiệp mà chỉ ăn thức ăn tự nhiên nên tốc độ tăng đàn rất chậm.
Để vượt khó, các DN đều phải linh hoạt tìm hướng đi mới. Giá thành thực phẩm organic cao hơn sản phẩm bình thường khoảng 3 lần, khó được người dùng đón nhận ngay, dù giá ở Việt Nam thấp hơn 30% so với sản phẩm cùng loại ở các nước. Hướng đi của Vinamit là đầu tư nông nghiệp organic và ra nước ngoài xây dựng thương hiệu, sau khi thị trường trong nước có cơ hội thì mới quay lại.
Có một điểm chung là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp hữu cơ đều chọn hướng hợp tác với nông dân để rút ngắn thời gian, tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, lại hỗ trợ được bà con nông dân. Đơn cử, khi trồng dược liệu, rau hữu cơ, TH thuê đất của nông dân. Hộ có đất cho thuê, TH tạo điều kiện cho một số lao động tham gia sản xuất tại Tập đoàn.
Công ty Cỏ May chọn hướng đi bằng cách chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm, cùng chia sẻ lợi ích chứ không làm thay công việc của nông dân. Đó cũng là lý do ông Minh Thiện không làm nông trại mà đầu tư vốn cho nông dân sản xuất gạo hữu cơ, dù năng suất không cao như canh tác thông thường nhưng bán ra thị trường giá cao hơn 20% giá bình thường.
Với mô hình nấm rơm sạch, ông Minh Thiện cho biết: "Chọn hướng đầu tư dựa trên công nghệ, lối đi của Cỏ May phù hợp với truy xuất nguồn gốc thực phẩm để không lo bất ổn đầu ra. Mô hình này cũng dễ liên kết, hợp tác với nông dân hơn".
VinEco cũng đồng hành và hỗ trợ nông dân sản xuất khi phải đứng trước thử thách chung là thiếu đất canh tác. VinEco đã đặt mục tiêu liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân cung ứng nông sản sạch. Hiện, chuỗi sản phẩm của VinEco đến từ 2 hình thức: 50% tự sản xuất và 50% liên kết với nông dân, hợp tác xã (Công ty hỗ trợ kỹ thuật trồng, kiểm soát chất lượng sản phẩm).
Nguồn tin: phununews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã