Nhưng có một vấn đề bất cập rất cơ bản mà các chuyên gia đã đề cập từ nhiều năm nay là chính sách thuế đối với các ngành sản xuất sản phẩm là đầu vào cho nông nghiệp. Chẳng hạn, phân bón đang “bị” thuộc đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), vì vậy mà doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế cho nguyên vật liệu đầu vào, cho nên giá thành và giá bán phân bón tăng, nông dân lãnh đủ.
Tại sao những ngành sản xuất sản phẩm là đầu vào cho nông nghiệp khác không được ưu đãi như những doanh nghiệp FDI sản xuất gia công rồi xuất khẩu? |
Cách “chơi chữ” này của Bộ Tài chính khiến nhìn bề ngoài tưởng hay nhưng thực chất khác hẳn với kiểu ưu đãi thực sự cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp FDI “chịu” thuế suất thuế VAT là 0% do sản xuất hàng xuất khẩu. Như vậy các doanh nghiệp này không những không phải đóng thuế VAT mà còn được khấu trừ thuế VAT đầu vào, mặc dù việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến ở Việt Nam như linh kiện điện tử, điện thoại di động… của các doanh nghiệp này cơ bản là gia công, lắp ráp, phần Việt Nam được hưởng cơ bản là chút công lao động thô sơ. Như vậy, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI cơ bản là xuất khẩu hộ nước khác nhưng được ưu đãi thực sự về chính sách thuế. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làm đầu vào cho nhóm ngành nông nghiệp mang tiếng là được ưu đãi nhưng việc ưu đãi này gần như là gây khó khăn cho họ nhiều hơn.
Cách “chơi chữ” này của Bộ Tài chính không chỉ khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn. Chính sách thuế như vậy khiến giá thành sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tăng, nên giá bán tăng, người nông dân không còn lợi nhuận, thậm chí lỗ. Điều này khiến giá tiêu dùng tăng, sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp và cả các sản phẩm nông nghiệp ngày càng khó cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, nhất là khi sắp tới đây thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm về mức 0% theo cam kết hội nhập. Như vậy sẽ dẫn đến bảo hộ sản xuất (bảo hộ hữu hiệu) các nhóm ngành nông nghiệp âm, có nghĩa là không những nhóm ngành sản xuất các sản phẩm nông nghiệp không được bảo hộ mà còn có nguy cơ bị bóp chết bởi chính sách thuế của chính Nhà nước; hoặc nói cách khác, nhóm ngành sản xuất các sản phẩm nông nghiệp không được Nhà nước khuyến khích, một điều dường như trái ngược với Nghị định 57 nói trên.
Mới đây khi trả lời cử tri về mức thuế VAT đối với hoạt động sản xuất sản phẩm phân bón, Bộ Tài chính cho biết tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của sáu luật thuế, phân bón sẽ được chuyển từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất ưu đãi 5%. Điều này cũng là một bước tiến trong nhận thức của cơ quan làm chính sách nhưng chỉ có tính chất “sửa sai” chứ chưa đủ để gọi là ưu đãi cho nông nghiệp vì các lý do sau:
Trước hết, hiện việc sửa đổi này mới thể hiện trong “dự án luật”, từ nay đến khi thực hiện chắc không phải ngắn, như vậy từ nay đến lúc đó ngành sản xuất phân bón (đầu vào quan trọng của trồng trọt) và nhóm ngành trồng trọt vẫn còn nhiều vất vả, nền kinh tế vẫn phải chịu mức giá cao hơn.
Quan trọng là, tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy, khi nhóm ngành phân bón chịu thuế suất thuế VAT 5% và được khấu trừ thuế VAT đầu vào, có thể dẫn đến giá sản xuất của nhóm ngành phân bón giảm từ 3-4% nhưng đầu vào của nhóm ngành trồng trọt chỉ giảm được 0,015% đến 0,02%, vì đầu vào của nông nghiệp không chỉ có phân bón, việc bảo hộ nhóm ngành trồng trọt cũng không thay đổi được nhiều.
Với mức thuế suất thuế VAT 5%, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào nhưng nếu tính toán cẩn thận, ngành trồng trọt vẫn chưa thực sự được bảo hộ. Câu hỏi đặt ra là tại sao những ngành sản xuất sản phẩm là đầu vào cho nông nghiệp khác không được ưu đãi như những doanh nghiệp FDI sản xuất gia công rồi xuất khẩu?
Để bảo hộ hữu hiệu đối với các sản phẩm sản xuất của nền kinh tế Việt Nam, cần thay đổi từ cấu trúc kinh tế và chính sách tiếp cận thực chất, các chính sách về thuế dần không còn tác dụng để bảo hộ những ngành có chỉ số lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị gia tăng cao.
Bùi Trinh
Nguồn: thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã